Theo văn bản triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 của Bộ GDĐT vừa được phát hành, các trường phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định về danh sách trúng tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được Hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại các trường (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do cơ sở giáo dục tải lên Hệ thống) sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 20/8/2023, tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Các trường cần lưu ý tính toán việc điều chỉnh điểm dự kiến trúng tuyển, danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển sau mỗi lần lọc ảo trong nhóm và lọc ảo toàn quốc để đảm bảo danh sách thí sinh chính thức trúng tuyển vào cơ sở đào tạo sau lần cuối cùng lọc ảo toàn quốc (ngày 20/8/2023) sát với chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo, nếu xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì trường và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo Điều 27 của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Những trường tuyển không đủ chỉ tiêu trong đợt 1 có thể tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung.
Năm 2023, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành. Vì vậy, các trường có sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển thì phần mềm phải xét tuyển tất các các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh (nếu thí sinh đáp ứng các quy định) theo đúng đề án tuyển sinh đã công bố.
Trong trường hợp thí sinh không lựa chọn phương thức xét tuyển, Bộ GDĐT yêu cầu các trường điều tiết các chỉ tiêu giữa các phương thức, đặc biệt là giữa các tổ hợp, căn cứ vào phổ điểm thi, căn cứ yêu cầu của ngành đào tạo để xác định việc điều tiết chỉ tiêu và điểm trúng tuyển theo từng tổ hợp, đảm bảo sự công bằng đối với thí sinh (trừ trường hợp trường nào đã công bố trước độ chênh lệch điểm giữa các tổ hợp). Các trường cân đối chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp để bảo đảm tối đa sự công bằng cho thí sinh.
Các trường phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.
Trong trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung đề án, Bộ GDĐT nhấn mạnh, các trường phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và việc điều chỉnh phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển (ví dụ: mở thêm ngành và điều chỉnh chỉ tiêu cho ngành mới mở; lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến một số ngành nên cần điều chỉnh chỉ tiêu dư cho các ngành gần trong nhóm ngành; điều chỉnh để thống nhất thông tin khai báo trên Hệ thống nghiệp vụ với báo cáo xác định chỉ tiêu và đề án tuyển sinh đã công khai trên trang thông tin điện tử của trường...).
Các trường cập nhật các nội dung thay đổi trong Đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT để báo cáo và phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời công bố trên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh biết và xã hội giám sát.