Cây tra (tên khoa học sea grape) với đặc tính chịu được nước mặn, dẻo dai nên nhiều năm qua được trồng dọc ven biển miền Trung để chống gió, bão, ngăn sạt lở bờ biển cũng như tạo cảnh quan xanh cho môi trường.
Trước đây, lá tra vàng úa tự rụng không còn giá trị sử dụng, nay được anh Trần Văn Tuyến (thị xã Đông Hòa, Phú Yên) thu mua với 200 đồng/chiếc để về ép thành những chiếc đĩa thân thiện môi trường, xuất khẩu đi thị trường Châu Âu.
Nhờ bán lá tra, nhiều người dân ở Phú Yên có thêm thu nhập. Đơn cử hộ ông Nguyễn Thành Đức, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa) kiếm được vài triệu đồng cho một mùa thu hái lá tra ở vườn nhà.
Ông Đức cho biết trước đây, ông trồng cây tra chủ yếu để chắn gió, giữ đất, tránh tình trạng xâm thực từ biển. Từ ngày có anh Tuyến thu mua lá, gia đình ông có thêm một khoản thu nhập.
Lá tra được thu mua phải già, có kích thước từ 15cm đến 20cm không rách hoặc sâu bệnh.
Sau khi thu mua, lá tra được phơi khô dưới nắng.
Rồi đem đi rửa sạch bụi bẩn.
Dàn máy ép lá tra gồm 6 khuôn, sử dụng lực nén và nhiệt để định hình sản phẩm.
Anh Tuyến cho biết, máy này được anh đặt riêng thợ thiết kế, gia công với chi phí khoảng 120 triệu đồng.
Lá tra được rửa sạch, lau khô và cho vào khuôn ép.
Cho vào khuôn ép khoảng 30 giây, một chiếc đĩa lá tra được cho ra đời.
Theo anh Trần Trọng Mon, người lao động tại xưởng, mỗi sản phẩm gia công lá tra thành phẩm, anh được trả công 600 đồng.
"Bình quân mỗi ngày tôi làm được khoảng 1.000 sản phẩm, trừ các chi phí anh em lao động bỏ túi được 400.000 đồng. Mức thu nhập này là khá ở khu vực nông thôn", anh Mon cho hay.
Anh Trần Văn Tuyến cùng sản phẩm từ lá tra của mình.
Anh Tuyến cho biết hiện tại xưởng lá tra của công ty giải quyết việc làm cho 4 lao động ở địa phương, với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn tạo thu nhập cho người dân có vườn trồng cây tra.
"Các sản phẩm từ lá tra hiện được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Ba Lan và Đức với giá 2.000-2.200 đồng/cái. Chúng tôi đang giới thiệu và tiếp cận thị trường Nhật Bản", anh Tuyến cho hay.
Về định hướng phát triển, chủ xưởng lá tra ở Phú Yên cho biết sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất và thu mua lại sản phẩm để nhiều người có công ăn việc làm hơn. Bên cạnh đó, việc chuyển giao sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên ở các địa phương có vùng nguyên liệu, từ đó cho ra đời nhiều sản phẩm thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, đánh giá các sản phẩm làm từ lá tra của anh Nguyễn Văn Tuyến là sản phẩm mới, thân thiện với môi trường.
"Nếu mô hình này tiếp tục được phát triển, nhân rộng thì ngành rất ủng hộ vì sẽ có nhiều cây tra được trồng vừa giúp chắn sóng, gió và thêm các sản phẩm thân thiện môi trường", ông Thắng nói.