Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hiện nay cách tính lương hưu của hai khu vực nhà nước và tư nhân có sự khác biệt. Cho nên, cùng thời gian tham gia BHXH như nhau nhưng mức lương hưu ở hai khu vực này không tương đồng, dẫn đến nhiều băn khoăn cho người lao động (NLĐ).
Sự khác biệt trong cách tính lương hưu hai khu vực nhà nước và tư nhân cụ thể như sau: Lương hưu của lao động khu vực tư nhân được tính bình quân trên tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian làm việc, còn khu vực Nhà nước tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của số năm cuối trước khi nghỉ hưu…
Đó là chưa kể sự bất công bằng trong, cách tính lương hưu giữa nam và nữ.
Bà Nguyễn Vân Anh, 56 tuổi (Công nhân Công ty giày Hong fu Thanh Hóa) cho biết bà đóng BHXH đã được 16 năm. 4 năm nữa là bà đủ số năm đóng BHXH để về hưu. Tuy nhiên, theo tính toán, nếu về hưu bà cũng chỉ nhận được hơn 2,8 triệu đồng tiền lương hưu. Mức lương hưu này quá thấp, khó đảm bảo cuộc sống về già.
“4 năm sau đến tuổi về hưu, kể cả Chính phủ có điều chỉnh thì tiền lương hưu của tôi chắc cũng ko tăng bao nhiêu. Trong khi đó, đồng tiền trượt giá, hàng hóa tăng giá, lương hưu có được bù đắp lên 3-4 triệu cũng chẳng thể đảm bảo đủ cuộc sống”, bà Vân Anh nói.
Cũng theo bà Vân Anh, trước đây lúc mới đi làm tiền lương cơ bản của chị khá thấp, chỉ từ 2-3 triệu đồng nên tiền đóng BHXH cũng thấp, chỉ vài trăm nghìn đồng. Mãi tới gần đây (năm 2014) chị mới đóng BHXh hơn 2,3 triệu đồng/tháng.
“Tôi cho rằng lấy mức đóng tiền lương của giai đoạn trước tính tiền lương hưu cho giai đoạn sau là không phù hợp vì tiền mất giá. Điều kiện kinh tế - xã hội sau 20 năm sẽ có quá nhiều khác biệt, khoảng cách”, bà Vân Anh nói.
Bà Vân Anh kiến nghị nên thay đổi lại cách tính lương hưu, có thể tính những năm cuối làm việc hoặc cộng thêm tỷ lệ hưởng nhằm đảm bảo tạo sự công bằng cho công nhân làm khu vực tư.
Mới đây, tại hội thảo: “Lấy ý kiến người lao động về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi" do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM, ông Kim Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP.HCM) có ý kiến về việc thay đổi lại cách tính lương hưu đối với lao động ngoài Nhà nước, giữa lao động nam và lao động nữ.
Theo ông Cường, với những lao động khu vực tư tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014 nên tính lương hưu theo 20 năm cuối đóng bảo hiểm. Nếu tham gia bảo hiểm sau năm 2015 mới tính bằng tổng số năm đóng. Ông Cường cũng đề xuất lao động nam đóng đủ 17 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45% lương hưu thay vì 20 năm như hiện tại.
Thông tin về các đề xuất, kiến nghị trên ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết cách tính lương hưu theo 2 khu vực như trên là do yếu tố lịch sử.
Ban đầu, chính sách BHXH chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước. Sau đó, qua các lần hoàn thiện thì chính sách BHXH mở dần sang khu vực doanh nghiệp. Chuyển biến mạnh là vào năm 1995, khi quỹ BHXH tách ra, độc lập với ngân sách nhà nước.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, trước năm 1995, NLĐ khu vực nhà nước về hưu thì tính lương hưu theo tiền lương tháng của tháng trước khi nghỉ hưu, mức hưởng tối đa đến 95%. Từ năm 1995, khi mở rộng ra ngoài mới có lộ trình tính lương hưu cho NLĐ khu vực nhà nước theo một số năm cuối trước khi nghỉ hưu, rồi dần tiến tới tính toàn bộ quá trình tham gia BHXH.
"Từ năm 1995, khi thực hiện tách quỹ BHXH độc lập khỏi ngân sách, chúng ta cũng bàn khu vực ngoài nhà nước cũng có lộ trình tính một số năm cuối như khu vực nhà nước được không?", ông Cường chia sẻ thêm thông tin.
Tuy nhiên, khi tính toán thì nhận thấy cách trả lương của khu vực ngoài nhà nước không giống khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước thì lương cơ bản tăng theo thâm niên. Còn khu vực doanh nghiệp thì lương tính theo năng suất lao động, không phải là làm việc lâu thì lương cao, người lớn tuổi có khi bị giảm lương.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, nếu khu vực doanh nghiệp tính lương hưu theo một số năm cuối thì có một số người sẽ lợi hơn nhưng cũng có nhiều người khác sẽ thiệt hơn.
Ông Nguyễn Duy Cường cho biết: "Những lần sửa luật gần đây, kể cả bây giờ đều hướng tới xu hướng cân bằng cách đóng hưởng giữa khu vực tư và khu vực công. Tuy nhiên, không thể sửa ngay lập tức mà cần có lộ trình thay đổi".
Chi tiết cách tính lương hưu lao động khu vực nhà nước và tư nhân
Đối với lao động khu vực nhà nước tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
5 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995;
6 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000.
8 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006.
10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015.
15 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019.
20 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024.
Còn đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Đối với lao động khu vực tư nhân
Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH.
Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Theo quy định tại Điều 56 và 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu của NLĐ căn cứ vào tỷ lệ hưởng và mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH, được xác định theo công thức chung: Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.