Bà N.H - Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.Thủ Đức chia sẻ 1 tháng qua, công ty của bà không bán được sản phẩm biệt thự, nhà phố nào. Mặc dù công ty liên tục tung các chiến lược quảng bá, cho đội ngũ nhân viên môi giới tiếp cận khách hàng nhưng tình hình ra hàng vẫn rất chậm.
Theo bà H, nguyên nhân chính là do sản phẩm biệt thự, nhà phố là phân khúc có giá trị cao, chiếm dụng dòng tiền lớn nên nhiều khách hàng không đủ tiềm lực trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Mặc khác, dự án của đơn vị hiện đã đi vào giai đoạn bán giá thứ cấp, các sản phẩm đã hoàn thiện. Một số phân khu đã bàn giao cho người dân vào ở nên không còn mức giá "mềm" như giai đoạn sơ cấp.
Trong khi đó, anh Thanh Vương (môi giới bất động sản) cho biết giai đoạn vừa qua, biệt thự nhà phố là một trong những phân khúc bán chậm nhất.
"Thấy công ty nhận hàng kí gửi là biệt thự, nhà phố thì anh em môi giới ngán ngẩm lắm. Vì thực tế, phân khúc này rất khó tìm khách hàng. Chúng tôi bây giờ chỉ ưu tiên các sản phẩm chung cư giá tầm trung và đất nền dự án, đất nền trong khu dân cư hoặc nhà dân có sổ hồng... thì mới dễ chào khách", anh Vương chia sẻ.
Ghi nhận thực tế thời gian qua, giao dịch mua bán các dự án biệt thự, nhà phố tại TP.HCM khá chậm. Trong đó, khu Đông thành phố vẫn là nơi thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư với số lượng lớn các dự án tập trung phát triển.
Ông Tạ Trung Kiên - Phó tổng GD công ty cổ phần đầu tư bất động sản Wowhome đánh giá các sản phẩm nhà phố, biệt thự là phân khúc có giá bán tương đối cao và khá kén người mua. Đa số, khách hàng mua phân khúc này thường xuống tiền để đầu cơ. Ngoài ra, phân khúc nhà phố của người dân, trong các khu dân cư với pháp lý rõ ràng, có giá từ 10 tỷ trở xuống mới duy trì sức hút với người mua.
Theo báo cáo thị trường bất động sản tháng 7 của DKRA tại khu vực TP.HCM và vùng phụ cận, phân khúc biệt thự, nhà phố vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy của sự ảm đạm. Số liệu được ghi nhận, nguồn cung mới phân khúc này giảm mạnh chỉ bằng 0,4% so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất kể từ giai đoạn năm 2016 đến nay. Lượng tiêu thụ ở mức rất thấp với tỷ lệ đạt khoảng 17% trên tổng cung mới, giảm 99,9% so với cùng kỳ năm trước.
Giá bán ghi nhận mức giảm đáng kể ở cả thị trường sơ cấp lần thứ cấp, dao động ở mức 6% - 8% so với đầu năm 2023. Giao dịch, mua bán thị trường vẫn rất trầm lắng, phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện pháp lý và đi vào hoạt động.
Ghi nhận thực tế, nhiều chủ đầu tư biệt thự nhà phố đã tìm mọi cách để bán được hàng thông qua các chính sách thanh toán linh động, không phụ thuộc tín dụng ngân hàng. Cụ thể, nhiều chính sách "chưa từng có" trên thị trường đã được tung ra như chiết khấu 30-40% cho khách hàng khi lựa chọn phương án thanh toán nhanh, bàn giao nhà khi khách hàng thanh toán đủ 30%, miễn phí phí quản lý trong 3 năm đầu nhận nhà... được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cấu thị trường...
Các chuyên gia của DKRA dự báo, nguồn cung và lượng tiêu thụ biệt thự, nhà phố trong các tháng cuối năm sẽ có sự khởi sắc khi mà chính sách về cho vay, lãi suất của các ngân hàng được nới lỏng. Trong đó, lượng sản phẩm tập trung chủ yếu ở khu vực TP. HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương...