NSND Doãn Châu
Đêm diễn mang lại cho tôi rất nhiều xúc cảm, hôm nay tôi là một khán giả, nhưng cũng là người bạn mà cách đây 35 năm, đã mang nỗi đau mất đi Lưu Quang Vũ. Chương trình dàn dựng rất chi tiết, từng chặng đường nghệ thuật Lưu Quang Vũ được tái hiện đầy đủ. Sự nghiệp của tôi gắn liền với những tác phẩm của Lưu Quang Vũ và đêm diễn đã khiến tôi như được "tua" lại những gì diễn ra trong cuộc đời nhà soạn kịch tài ba này.
Tình yêu dành cho nghệ thuật, dành cho đất nước của Lưu Quang Vũ đã được thể hiện một cách đặc sắc qua từng vần thơ, từng câu hát. Và quan trọng nhất là điều đó như đại diện cho tình cảm chân thành mà chúng ta dành cho người nghệ sĩ ấy.
Ngạc nhiên lớn nhất của tôi phải kể tới đạo diễn Trần Lực, với vở Hồn Trương Ba, da Hàng thịt, anh ấy đem đến một sân khấu hiện đại, kết hợp truyền thống và tạo ra màn trình diễn đặc sắc, thú vị.
Tôi cho rằng, đây là một đêm diễn rất tốt ở nhiều khía cạnh và sẽ khiến giới chuyên môn chắc là khó thể chê ở điểm gì, tiết mục nào tôi cũng thích cả. Điều đó càng làm tôi tin tưởng hơn về thành công của nghệ thuật nước nhà trong tương lai".
NSƯT Xuân Bắc
Tôi vừa thích nhưng cũng tiếc, bởi những chương trình như thế này lại không được tổ chức thường xuyên. Thông qua đây, tôi thực sự muốn khán giả, nhất là những bạn trẻ tiếp cận với văn thơ nhiều hơn. Những tác giả như Lưu Quang Vũ không chỉ mang đến cho chúng ta những tác phẩm đặc sắc mà thông qua đó, chúng ta còn thấy được bản sắc văn hóa, tình yêu quê hương đất nước.
Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh luôn đem tới những chân lý, những điều tốt đẹp trong tác phẩm của họ và lan tỏa nó trong cuộc sống. Nhưng để những điều đó không bị mai một, những chương trình như thế này nên được tạo điều kiện để tổ chức nhiều hơn, góp phần hình thành nếp văn hóa thưởng thức trong mỗi chúng ta.
Khán giả, nhất là những bạn trẻ được cảm nhận trực tiếp những nét đẹp của văn thơ. Dường như việc học ở trên trường là chưa đủ để các bạn học sinh, sinh viên cảm nhận hết những cái hay của nghệ thuật, mà cần phải kết hợp thêm việc trực tiếp xem trình diễn trên sân khấu.
Thật khó để chọn ra phần nào trong đêm diễn là hay nhất, bởi theo tôi tất cả đều toát ra cái hồn của Lưu Quang Vũ, khi các nghệ sĩ đã cống hiến hết mình và biểu diễn trọn vẹn. Sau đêm nay, tôi bỗng nảy ra ý tưởng là biết đâu mai này, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng sẽ tổ chức những chương trình có ý nghĩa và quy mô để tôn vinh những người nghệ sĩ tài hoa.
NSND Lê Khanh
Với tôi, ký ức về Lưu Quang Vũ là nét duyên của ông trong phong cách viết thoại. Lưu Quang Vũ đồng hành với sự nghiệp nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ và sân khấu phía Bắc nói chung. Với riêng tôi, khi tiếp cận với kịch bản Lưu Quang Vũ tôi thấy lời thoại của chú khác hẳn mọi người.
Từ ngày đầu tiên khi tôi còn chưa biết ngôn ngữ văn chương kịch là như thế nào nhưng khi đến với kịch Lưu Quang Vũ lại rất dễ tiếp cận bởi ngôn ngữ giản dị, gợi hình, gợi màu, gợi không gian, dung dị, dí dỏm. Đúng là phải có văn phong rất riêng biệt mới có những lúc rất sắc sảo, lúc chân quê, lúc thì châm biếm, có lúc chơi chữ mà hòa quyện trong một tác phẩm.
Khi nào Lưu Quang Vũ muốn nhấn nhá điều gì liên quan đến những vấn đề nhân tình thế thái thì có những từ giống như là khẩu hiệu, nhấn, chốt. Như vở Lời thề thứ 9 là câu: "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân". Một câu thoại vừa có ý châm biếm nhưng từ ngữ rất nét, rất mộc, rất cụ thể khiến người ta nghe thấy ngay, hiểu luôn.
Rồi lời bà mẹ chiến sĩ gọi các con rất chân phương, chất phác, quê mùa đúng người mẹ chân chất nhưng lại có chất thơ, mạnh hơn cả khẩu hiệu: "Các con ơi, các con của mẹ ơi, sao chúng mày lại làm thế, sao lại đến nông nỗi này. Chúng mày bỏ việc ở biên thùy để chốn lủi trong ấy ư? Mà trốn ai, trốn các anh, các bác, các chị mình ư? Để làm gì, ra đi các con, chỗ của các con đâu có ở trong ấy. Khó mấy rồi cũng xong, rối mấy rồi cũng gỡ ra nhưng hễ cứ động một tí thì chúng mày về thì bỏ nước cho ai...".
Một câu đó thôi nhưng như người mẹ như cầm roi "đét đít" con mình mặc dù là những chiến sĩ. Như mẹ dạy con trong nhà, nhưng nói đến đâu có cái cao sừng sững của núi non. Người mẹ có giang sơn, ấm lòng mà đau xót, châm biếm. "Các con tuổi trẻ, tương lai của đất nước, sao lại trốn lủi ở đấy, phải đứng trên mặt tiền, bảo vệ Tổ quốc. Người mẹ chân quê, chất phác mà nói được những lời có cả tính hiệu triệu. Vở Lời thề thứ 9 từng gây chấn động. Chưa từng có tác giả nào có một vở kịch 5 nhà hát cùng diễn một lúc mà cùng đông khách. Có thể đó là vở được xem đi xem lại nhiều nhất và thành công nhất từng được NSND đạo diễn Xuân Huyền dàn dựng.
NSND Lan Hương
Bất cứ chương trình tưởng niệm Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh nào cũng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Năm nay, vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của anh, khi xem Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tôi thấy nhớ anh Vũ và thương anh chị rất nhiều. Chương trình hoành tráng, dày dặn với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ lớn. Vở Hồn Trương Ba, da Hàng thịt được làm mới lạ, với nhiều thay đổi cách diễn từ những nghệ sĩ trẻ.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp
Hôm nay xem Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tôi nghĩ là người viết kịch bản đã có cách nhìn rất hay, mang đến giọng điệu rất nam tính. Trước kia, khi tôi làm các sự kiện về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, tôi hay mời những giọng đọc nữ và tôi thích các giọng đọc tình cảm đó. Nhưng hôm nay tôi thấy sự nam tính ở những giọng nam với những sắc thái, lứa tuổi, những cung bậc tâm trạng khác nhau.
Nó mang đến tiếng nói công dân của Lưu Quang Vũ rất bi tráng nhưng cũng tình cảm, thiết tha, tôi nghĩ đó là điều mới. Tôi đánh giá cao kịch bản cấu trúc của đạo diễn chương trình. Riêng về kịch Hồn Trương Ba, da Hàng thịt do Lucteam thực hiện thì tôi thấy rất mãn nguyện. Vì những điều Lucteam mang đến bao giờ cũng rất mới, không bao giờ như chúng ta hình dung, tưởng tượng. Cho nên, khi nhìn một tác phẩm nào đó với dấu ấn Lucteam thì mình chỉ có thể thưởng thức thôi.
Tôi nghĩ là sẽ là may mắn nếu công chúng được xem nhiều lần trích đoạn này của Lucteam ngoài khuôn khổ chương trình hôm nay. Những gương mặt mới, cách thể hiện mới cũng như cách nhìn của đạo diễn tạo ra một ấn tượng rất khó quên nhất là sau rất nhiều năm chúng ta mới nhìn thấy vở diễn này.
BTV Lưu Minh Vũ
Vào những năm chẵn, gia đình tôi và báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đều làm những chương trình tưởng nhớ bố tôi. Khi xem chương trình, tôi thấy thương, phục bố mình. Cũng có cái khó vì sự nghiệp của bố tôi đồ sộ nhưng cũng phải tìm ra sự mới mẻ cho khán giả. Năm nay, chương trình có nhiều nét mới với những sáng tác lần đầu được công bố của những nhạc sĩ yêu mến thơ cha tôi như Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Tâm. Tôi hy vọng sự hòa quyện của thơ và nhạc sẽ tạo thành một con đường giúp các tác phẩm của ông sống với công chúng trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện tại. Hy vọng sẽ mang được nhiều xúc cảm cho mọi người không chỉ là thế hệ cùng với thời bố tôi mà cho cả thế hệ trẻ hôm nay.
Những bài thơ của bố tôi được đọc lần này khám phá sâu hơn tình cảm con người trong bố tôi, một người đa cảm, đa tình, và có tài năng mới nói lên được, viết lên được. Và quan trọng là có đồng cảm của khán giả. Theo tôi, chương trình nghệ thuật như thế này rất cần thiết trong đời sống hiện nay.
Các tác phẩm của bố khiến tôi luôn dặn mình sống tử tế hơn, đàng hoàng hơn. Nhiều người hỏi sao tôi không làm thế này thế kia, tôi nói: "Sao thế được, tôi là con bố Vũ mà!".