Vào những năm 2000, chúng ta hầu như chỉ có thể kết nối Internet bằng những chiếc máy tính để bàn cồng kềnh. Và ngay khi rời khỏi chiếc máy tính đó, chúng ta lại ngoại tuyến. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của smartphone cùng việc triển khai rộng rãi WiFi, Internet băng thông rộng, mọi người luôn có thể trực tuyến bất cứ lúc nào.
Khi Internet di động ngày càng phổ biến, smartphone cũng dần tham gia vào mọi hoạt động trong cuộc sống của chúng ta. Mọi nhu cầu như giải trí, công việc, đặt đồ ăn hay tìm đường qua các thành phố mới, đều có sự trợ giúp của smartphone. Ngày nay, 97% người Mỹ cho biết họ sở hữu ít nhất một chiếc smartphone, trong đó, 58% tin rằng họ bị phụ thuộc vào smartphone quá nhiều.
Sau hơn một thập kỷ ngày càng phổ biến, mọi người bắt đầu tính đến những tác động tiêu cực của smartphone, đặc biệt là bản chất gây nghiện của chúng. Những cảnh báo về tác hại của smartphone xuất hiện ngày càng nhiều cùng với lời kêu gọi giảm sử dụng chúng, đặc biệt trong thời điểm sau các đợt phong tỏa do đại dịch khiến mọi người dành nhiều thời gian trên mạng hơn. Song, làn sóng đẩy lùi smartphone đang gặp phải một vấn đề lớn.
Ngay cả khi nhận thức rõ tác hại của việc sử dụng smartphone quá nhiều, thế giới xung quanh dường như ngày càng buộc chúng ta phải sử dụng chúng cho những công việc thiết yếu. Theo nhiều cách, chúng ta đã tích hợp smartphone vào cuộc sống của mình một cách triệt để đến mức không thể thoát ra được.
Những nỗ lực thoát khỏi sự thu hút của màn hình điện thoại
Khi smartphone lần đầu tiên ra mắt, mọi người đều tập trung vào những điều thú vị mà thiết bị mới của họ có thể làm được. Các câu hỏi về giới hạn thời gian hoặc tác động tiềm ẩn đối với trẻ em đã bị nhấn chìm bởi những tiếng "oh" và "wow" trước những tính năng mới mẻ, hấp dẫn. Nhưng giờ đây, mọi người cuối cùng cũng bắt đầu chú ý đến những câu hỏi đã nêu ra từ nhiều năm trước.
Thứ nhất, các ứng dụng phổ biến nhất như Facebook, TikTok, Instagram... được thiết kế theo kiểu cuộn, lướt vô hạn, không ngừng cung cấp nội dung cho người dùng. Thiết kế này đã truyền vào não lượng dopamine - hormone hạnh phúc - đủ để khiến mọi người muốn tiếp tục. Do đó, việc sử dụng smartphone đã được phát hiện ảnh hưởng đến lịch trình giấc ngủ của mọi người. Việc sử dụng mạng xã hội quá mức đã gây ra những tác động có hại cho sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.
Thiết kế cuộn, lướt vô hạn của các nền tảng xã hội như Facebook, TikTok đóng vai trò là chất kích thích dopamine, khiến chúng ta rất khó ngừng lại.
Không chỉ cuộc sống cá nhân của mọi người bị ảnh hưởng, mà công việc của họ cũng vậy. Vì hầu hết mọi người đều mang điện thoại di động bên người nên cấp trên hoặc khách hàng ngày càng mong muốn được sẵn sàng trả lời tin nhắn, email vào mọi thời điểm bất kể ngày hay đêm, ngay cả khi không trả lương làm thêm giờ. Và khi đang làm việc, chúng ta có thể bị phân tâm khỏi công việc trước mắt bởi các thông báo xuất hiện hoặc sự hấp dẫn gây nghiện từ mạng xã hội.
Do đó, cả một lĩnh vực mới đã nổi lên về các mẹo giải phóng bản thân khỏi sự ràng buộc của smartphone, từ việc tắt thông báo và đặt giới hạn thời gian sử dụng đến chặn quyền truy cập vào một số ứng dụng nhất định. Ngay cả các nhà sản xuất thiết bị và nhà phát triển ứng dụng cũng tham gia với các tính năng hạn chế của riêng họ, mong muốn chúng ta có thể giải quyết vấn đề do chính họ đã đặt ra ngay từ đầu.
Tuy nhiên, những giải pháp riêng lẻ này không hiệu quả với tất cả mọi người. Mặc dù chúng ta có thể thử hạn chế sử dụng smartphone trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng khi nói đến việc từ bỏ hoàn toàn các thiết bị gây nghiện này, thì gần như không thể.
"Bắt buộc" phải có smartphone nơi công cộng?
Năm 2018, Amazon ra mắt AmazonGo - cửa hàng tiện lợi không cần quầy thanh toán và nhân viên thu ngân. Để vào cửa hàng, khách hàng cần tải xuống một ứng dụng riêng, kết nối ứng dụng đó với tài khoản Amazon của họ. Sau khi khách hàng làm đủ các bước và đi vào cửa hàng, các camera trong đó sẽ theo dõi những gì họ lấy từ kệ để tính phí khi họ bước ra ngoài — hoàn toàn không cần sự tương tác giữa người với người. Mặc dù được cho là thuận tiện hơn (và rẻ hơn đối với Amazon so với việc thuê nhân viên thu ngân), nhưng những rào cản công nghệ bắt buộc đã khiến nhiều khách hàng tiềm năng cho rằng việc này đơn giản là không đáng.
Trong khi trải nghiệm mua sắm "bắt buộc phải có smartphone" của Amazon gặp khó khăn, các công ty khác tận dụng sự phổ biến của điện thoại thông minh cũng đang gặp phải những thách thức tương tự. Ở Anh, chuỗi cửa hàng tạp hóa Sainsbury's đã thử nghiệm cửa hàng không dùng tiền mặt vào năm 2021 và đã đóng cửa khi nhận thấy khách hàng chưa sẵn sàng. Thay vào đó, họ cho phép khách hàng đăng ký để quét các mặt hàng trong khi mua sắm và thanh toán qua điện thoại.
Vào tháng 5, Washington Examiner báo cáo rằng Vườn thú Quốc gia ở Washington DC mặc dù được vào cửa miễn phí nhưng du khách phải đặt trước vé mà chỉ có thể truy cập bằng smartphone. Đội bóng chày địa phương, Washington Nationals, cũng đang làm điều tương tự: khán giả không còn có thể in vé để vào cửa, thay vào đó họ phải xuất trình vé trên smartphone. Nhiều khách sạn cũng không nhận đặt phòng tại quầy lễ tân, mà thay vào đó phải đặt từ trang web.Thậm chí, họ mong muốn khách hàng tự nhận phòng, chuyển sang dùng chìa khóa di động trên smartphone thay vì chìa khóa phòng.
Khi mất kết nối Internet, điện thoại hết pin hoặc không có lấy một chiếc smartphone, những thay đổi này thực sự khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Trong đại dịch Covid-19, Apple và Google đã hợp tác theo dõi liên lạc trên thiết bị di động, biến smartphone trở thành trung tâm của phản ứng với đại dịch. Việc sử dụng smartphone trong đại dịch Covid-19 cũng được củng cố hơn với hộ chiếu vắc-xin điện tử, mã QR và tờ khai du lịch.
Những thay đổi này chủ yếu giúp các thủ tục trở nên thuận tiện hơn. Sử dụng smartphone được cho là giúp tiết kiệm thời gian và giúp các doanh nghiệp kết nối dễ dàng với ứng viên, nhân sự và khách hàng. Nhưng khi mất kết nối Internet, điện thoại hết pin hoặc không có lấy một chiếc smartphone, những thay đổi này thực sự khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là đối với những người muốn cắt giảm thời gian sử dụng điện thoại.
Nhiều công việc hiện nay yêu cầu có smartphone mới có thể làm, chẳng hạn như tài xế công nghệ của các doanh nghiệp Grab, Bee... cũng như shipper giao hàng, giao đồ ăn. Việc mất điện thoại đồng nghĩa với mất việc làm.
Smartphone không nên là bắt buộc
Có một mâu thuẫn rõ ràng ở đây. Mặc dù chúng ta nhận ra rằng việc trở nên quá phụ thuộc vào smartphone có thể gây ra nhiều hậu quả đối với các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần cũng như công việc và cuộc sống. Nhưng mặt khác, các công ty và chính phủ đang ngày càng biến smartphone thành cơ sở hạ tầng trong cuộc sống, khiến chúng ta khó, thậm chí là không thể sống thiếu điện thoại. Các nhà sản xuất thiết bị và nhà phát triển ứng dụng dường như đang ép buộc chúng ta biến smartphone trở thành công cụ thiết yếu trong cuộc sống.
Trong nhiều năm, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, số lượng cửa hàng chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ đã tăng lên đáng kể. Mặc dù được cho là thuận tiện và an toàn hơn, nhưng động thái này đã khiến cửa hàng mất đi tệp khách hàng không có tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng, cũng như tệp khách hàng thích sử dụng tiền mặt vì nhiều lý do. May mắn thay, nhiều nơi đã nhận ra rằng việc từ chối thanh toán tiền mặt là không ổn. Để đáp lại, Thành phố New York, San Francisco, Philadelphia và một số thành phố lớn khác đã hành động để bảo vệ quyền thanh toán bằng tiền mặt của mọi người.
Không sử dụng smartphone nên là quyền của mỗi người. Điện thoại của chúng ta được coi là phương tiện giúp cuộc sống thuận tiện hơn, nhưng trên thực tế, chúng cho phép ngành công nghệ tạo ra một xã hội bất bình đẳng hơn với những người không dùng điện thoại. Từ đó, các rào cản kỹ thuật số đã sinh sôi nảy nở. Tại thời điểm này, việc cân bằng lại mối quan hệ của chúng ta với smartphone là điều cần thiết.