Mới đầu tháng mà chị Nguyễn Thị Vi (30 tuổi) viên chức trong đơn vị y tế công ở Hà Nội đã méo mặt. Chị và các đồng nghiệp mới nhận thông báo giảm lương, giảm phụ cấp. Lương thấp, giờ lại giảm khiến cho những y tá như chị không khỏi chán nản.
“Công việc vất vả, sáng thì đi làm từ 6 giờ 30 chiều tối thì 7 giờ mới về tới nhà, có hôm thì phải trực thâu đêm vậy mà tháng chỉ được hơn 10 triệu đồng tiền lương”, chị Vi kể.
Chồng chị vốn là một kỹ sư xây dựng, lương ba cọc ba đồng, thường xuyên phải làm xa nhà nên anh bỏ việc về chạy quảng cáo cho các shop thời trang. Mấy năm đầu làm ăn được, nhưng 3 năm nay thì chết bẹp.
“Cứ ngỡ mấy năm dịch khó khăn, năm nay (năm 2023) kinh tế bớt khó sẽ khởi sắc, ai ngờ còn khó khăn hơn. Thu nhập của 2 vợ chồng tôi chỉ được hơn 20 triệu đồng mà vừa phải nuôi con nhỏ, vừa phải trả nợ tiền nhà (mỗi tháng đã 8 triệu đồng)”, chị Vi kể.
Khổ tâm nhất là trong lúc khó khăn, chị đã phải vay mượn khắp nơi, giật gấu vá vai mà thi thoảng chị vẫn nhận được tin nhắn vay mượn tiền của anh, em, bạn bè…
“Lúc đầu thấy bình thường nhưng mọi người nhắn vay mượn nhiều quá, mình mới biết là không chỉ mình khó khăn, mà giờ khó khăn chung. Tâm sự thấy ai cũng kêu, công việc khó khăn, lương thưởng giảm. Bạn bè mình có người còn mất việc, nghĩ vậy nên thôi cố gắng bám trụ, hy vọng sớm hết khó khăn”, chị Vi tâm sự.
Trước đây, nhiều lao động “chê” công chức, viên chức, chê làm công ăn lương, nhưng nay khi kinh tế khó khăn, không kinh doanh buôn bán được nên bỏ nghề muốn quay lại làm nhân viên.
Từng là một kỹ sư xây dựng anh Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi) ở Nam Từ Liêm Hà Nội đã bỏ nghề ra làm tự do.
Anh Tuấn kể: "Trước đây khi làm kỹ sư xây dựng, phải nay đây mai đó, công việc áp lực lương thấp nên tôi chán bỏ việc về nhà kinh doanh tự do. Mấy năm đầu công việc thuận lợi, thu nhập khá nhưng từ sau khi xuất hiện dịch Covid - 19 tới nay công việc buôn bán đình trệ".
Do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm nên tổng cầu tiêu dùng cũng giảm theo vì thế mà công việc bán hàng online của anh Tuấn cũng bị đình trệ. Thu nhập giảm sâu, doanh số bán ra giảm 1 nửa so với trước thời kỳ xuất hiện dịch bệnh. "Không chỉ doanh số giảm mà cả lợi nhuận cũng bị cắt giảm tối đa để đẩy hàng vì còn rất nhiều hàng tồn. Chính ra thời điểm này người làm công ăn lương, dân công chức, viên chức lại đỡ đau đầu", anh Tuấn nói.
Không riêng gì anh Tuấn, nhiều lao động cũng tỏ ra "hối hận" vì trót bỏ phận "làm công ăn lương". Chị Nguyễn Thị Thu, (38 tuổi) từng là công nhân ở khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cũng bỏ việc được 2 năm nay. Chị Thu tâm sự: Trước đây công việc bấp bênh, lúc có việc lúc không thu nhập chỉ được 7 triệu đồng/tháng nên chị bỏ việc. Về nhà làm chủ, chị mở cửa hàng bán đồ ăn, nước uống tại gần khu công nghiệp nhưng thời gian gần đây thu nhập công nhân giảm nên nhu cầu mua bán ăn uống của công nhân cũng giảm sâu. Có tháng công việc buôn bán của chị lời lãi chỉ được 3-4 triệu đồng. Chị Thu đang tính toán có khi đóng cửa cửa hàng để xin làm công nhân.
"Nếu quán xá cứ ế ẩm thế này chắc phải đóng cửa xin làm công nhân, chỉ e giờ tuổi cao xin làm công nhân cũng không dễ", chị Thu băn khoăn.
Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động đang trình dự thảo xin ý kiến Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn, trích quỹ hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động gặp khó khăn. Dự kiến trích 145 tỷ đồng từ Quỹ tài chính Công đoàn để chi trả hỗ trợ này cho đoàn viên, lao động.
Tuy nhiên các chương trình hỗ trợ này thường chỉ hỗ trợ cho lao động ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động). Với lao động tự do thì chưa có thêm bất cứ gói hỗ trợ nào kể từ sau dịch Covid-19.
Theo bà Nguyễn Lan Hương – Nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH), cần sớm có giải pháp hỗ trợ cả lao động tự do. Bởi vì đây cũng là nhóm lao động yếu thế, chịu tác động mạnh nhất khi kinh tế gặp khó khăn.
“Có thể tính các biện pháp hỗ trợ trực tiếp hoặc hỗ trợ gián tiếp thông qua giới thiệu việc làm, vay vốn, tăng cường đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề… ví dụ như đào tạo kỹ năng số, bán hàng trực tuyến, tiếp cận lớp dạy nghề ngắn hạn… cho lao động”, bà Hương nói.