Theo tờ trình, vị trí dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép-Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của Châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ), thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Đồng thời, cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.
Hiện nay, hàng hóa tại các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines chủ yếu được trung chuyển tại Singapore hay Malaysia. Trường hợp hàng hóa từ quốc gia trong khu vực nêu trên trung chuyển tại Cần Giờ, cự ly vận chuyển giảm khoảng 30% - 70% so với cự ly vận chuyển đến Singapore.
Ngoài ra, chi phí bốc xếp hàng container xuất nhập khẩu tại khu vực Cái Mép-Cần Giờ hiện nay giảm khoảng 54% đối với container xuất nhập khẩu, giảm khoảng 40% đối với container trung chuyển quốc tế so với Singapore.
Do đó, vị trí dự kiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực.
Cũng theo tờ trình, vị trí cảng nằm liền kế tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải, được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay, có độ sâu khoảng 14m đảm bảo tiếp nhận thành công tàu trọng tải đến 232.494 tấn (sức chở 24.188 Teu) giảm tải. Ngoài ra, khu vực này có chế độ thủy hải văn ổn định, khí hậu thuận lợi, ít khi chịu ảnh hưởng của bão, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác cảng.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM tăng trưởng bình quân trong giai đoạn năm 2015-2022 khoảng 9,3%. Dự báo trong giai đoạn 2022-2030, tổng lượng hàng thông qua cảng biển TP.HCM tăng trưởng bình quân khoảng trên 5.0%/năm, lượng hàng container tăng trưởng bình quân khoảng 6.0%/năm.
Các bến container tại khu vực cảng biển TP.HCM (nằm sâu trong khu vực trung tâm thành phố) đã đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, công suất khai thác năm 2022 đã vượt so với quy hoạch.
Do đó, việc bổ sung quy hoạch, triển khai phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho hệ thống cảng biển thành phố, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Theo tờ trình, vị trí xây dựng cảng tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Công suất dự kiến đến năm 2023 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Quy mô dự kiến khai thác tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải 10.000-65.000 tấn (750-5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 Teu).
Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571ha, trong đó, cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ... khoảng 469ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.
Kế hoạch đầu tư cảng dự kiến phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2/7 bến chính), giai đoạn 2 (sau 2030 đến 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại.