Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, tính đến ngày 23/8, mưa lớn đã gây lũ, sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở, trường học, công trình giao thông trên địa các xã Cốc Pàng, Thượng Hà, Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc); xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm).
Cụ thể, 104 ngôi nhà đã bị ảnh hưởng do sạt lở đất đá; Trường Mầm non Nà Viềng, xã Thượng Hà (huyện Bảo Lạc), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Đức Hạnh, Trường Mầm non Pác Rà, xã Lý Bôn (huyện Bảo Lâm) và nhà văn hóa xóm Khuổi Bốc, xã Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc) bị sạt lở đất gây nứt tường.
Cùng với đó, 6 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở ta luy dương, ta luy âm, đất, đá vùi lấp mặt đường, trong đó có hai tuyến bị ách tắc giao thông; 2 công trình thủy lợi có tổng chiều dài 50m bị ảnh hưởng.
Mưa lớn cũng đã vùi lấp gây thiệt hại 75ha lúa, hoa màu; gần 13.000 cây hồi, quế bị gãy, đổ do sạt lở. Ngoài ra còn có các thiệt hại về gia cầm, cá nuôi, đồ dùng gia đình một số hộ bị cuốn trôi. Tổng giá trị thiệt hại ước tính lên đến hơn 6 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Hà Giang, từ ngày 21-23/8/2023, trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn ra các đợt mưa lớn làm xói lở nền mặt đường, công trình trên các tuyến đường gây ách tắc cục bộ.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Giang, mưa lớn liên tục trong nhiều ngày đã khiến Quốc lộ 4C dọc tuyến từ Km172 đến Km200 sạt taluy dương, đất đá tràn lấp mặt đường, rãnh dọc, khối lượng khoảng 5.160m3.
Sáng 23/8, khu vực này ách tắc cục bộ, đến chiều cùng ngày các phương tiện mới lưu thông bình thường. Tạm tính kinh phí khắc phục tuyến này là khoảng 2,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tuyến đường tỉnh từ xã Tráng Kìm (Quản Bạ) đi xã Đường Thượng (Yên Minh) khoảng 6.000m3 đất, đá tràn ngập mặt đường, khối lượng xói trôi mặt đường đá răm láng nhựa khoảng 8.000m2.
Cầu bản Lo tại Km18+350 rạng sáng 23/8 nước lũ xói lở toàn bộ 1 bên móng, mố cầu, làm sập cầu và xói lở cuốn trôi khoảng 3,0m đường đầu cầu; đường tràn liên hợp cống bản Lo Km31+130, đất đá lấp toàn bộ cống bản và xói lở làm sập 1/2 móng, thân cống phía hạ lưu. Kinh phí để sửa chữa, khắc phục tạm tính khoảng 8 tỷ đồng.
Tuyến đường Bắc Quang – Xín Mần (ĐT.177) tại vị trí Km82 +950 đã sạt taluy dương gây ách tắc giao thông. Một số tuyến đường khác như: ĐT.178, ĐT.176… nhiều điểm cũng bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.
Sau khi xảy ra sự cố thiên tai, ngành giao thông tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với các công ty đường bộ dọn đất, đá, rào chắn và đặt biển cảnh báo nguy hiểm để người dân lưu thông an toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cập nhật lúc 19h tối 23/4, trên hệ thống thông tin cảnh bão lũ quét, sạt lở đất của Tổng cục Khí tượng thủy văn, có 71 xã thuộc 10 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An... có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất từ mức trung bình đến mức rất cao.
Do đó, các địa phương vùng núi Bắc Bộ cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh, nhất là các khu vực đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian qua.