Dân Việt

HLV Troussier: "Tôi muốn nâng cao trình độ của ĐT Việt Nam bằng các cầu thủ Việt kiều"

Cao Oanh - Long Nguyên 24/08/2023 14:10 GMT+7
Trao đổi với PV Dân Việt, HLV Troussier đã không ngần ngại đưa ra triết lý bóng đá của mình, đồng thời ông cũng hướng đến các cầu thủ Việt kiều nhằm gia tăng sức mạnh cho ĐT Việt Nam.

HLV Troussier: "Tôi muốn tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ"

Trả lời phỏng vấn Dân Việt, HLV Philippe Troussier tiết lộ về những kế hoạch của ông cùng đồng nghiệp Hoàng Anh Tuấn nhằm tạo nên ĐT Việt Nam mạnh nhất hướng đến mục tiêu World Cup 2026.

Trong hai trận giao hữu FIFA Days tháng 6 gặp Hong Kong và Syria hồi tháng 6, ông đã trao cơ hội cho khá nhiều cầu thủ U23 như Thái Sơn, Văn Tùng hay Tuấn Tài. Ông có thể tiết lộ về lộ trình trẻ hóa đội tuyển trong tương lai, nhất là chiến dịch vòng loại FIFA World Cup 2026?

Trên cương vị là HLV trưởng của cả hai cấp độ là đội tuyển quốc gia và U23, tôi muốn tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các cầu thủ, dù trên hay dưới 23 tuổi. Đối với cá nhân tôi, không có bức tường nào tồn tại giữa hai đội cả, bởi chúng ta đều biết rằng không có giới hạn nào về tài năng trong bóng đá.

Sự xuất hiện của các cầu thủ trẻ trong hai trận đấu tháng 6 không phải món quà tôi ưu ái dành cho họ. Đó là hệ quả tự nhiên của tinh thần chăm chỉ và thể hiện tích cực kể từ thời điểm tôi bắt đầu làm việc với họ hồi tháng 3, qua những giải đấu tại Doha Cup, SEA Games và dựa vào cả những gì họ trình diễn trong màu áo CLB.

Hãy nhìn vào trường hợp của Tuấn Tài, cậu ấy đã xây chắc vị trí bản thân tại CLB Viettel với tư cách là một gương mặt không thể thay thế. Tôi không cho rằng ban huấn luyện Viettel sẽ cảm thấy tự tin hoàn toàn khi bước vào một trận đấu chính thức nếu không có sự hiện diện của Tuấn Tài trong đội hình xuất phát.

Một vài cá nhân khác như Văn Tùng tại Hà Nội, Thái Sơn tại Thanh Hóa hay Văn Toản tại CLB CAHN đang cạnh tranh sòng phẳng cho suất đá chính, bất chấp việc phải tranh chấp cơ hội thi đấu với nhiều đàn anh hay thậm chí là ngoại binh cùng vị trí. Tôi mong rằng nhiều cầu thủ trẻ nhất có thể, dù ở độ tuổi U20 hay U22 sẽ được ra sân nhiều hơn nữa tại các giải đấu trong nước, bởi lẽ tương lai của đội tuyển quốc gia sẽ thuộc về họ.

U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông sẽ dự vòng loại U23 châu Á đầu tháng 9, trong khi HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ chịu trách nhiệm tại giải vô địch U23 Đông Nam Á và Asiad. Liệu đây cũng có phải là một phần trong kế hoạch của ông nhằm tạo cơ hội để nhiều cầu thủ trẻ hơn nữa được thi đấu và xa hơn, cạnh tranh cho vị trí thi đấu tại ĐTQG khi Vòng loại FIFA World Cup bắt đầu vào tháng 11?

Tôi và HLV Hoàng Anh Tuấn thường xuyên có sự trao đổi thông tin về lực lượng nhân sự cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Chúng tôi đã duy trì mối quan hệ làm việc chặt chẽ với nhau kể từ thời điểm tôi nhậm chức hồi tháng 3, bởi góc độ thông tin mà Hoàng Anh Tuấn cung cấp giúp tôi hiểu hơn về năng lực và tiềm năng của mỗi cá nhân từng cầu thủ. Tôi coi anh ấy như là một trong những người trợ lý đắc lực của tôi.

Với sự tư vấn của ban lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức một buổi họp hồi tháng 5 và đi đến thống nhất rằng, do sự trùng lặp về lịch thi đấu giai đoạn cuối tháng 8 đầu tháng 9, nhằm giành sự ưu tiên cao nhất cho ĐTQG chuẩn bị hướng tới Vòng loại World Cup và U23 Việt Nam thi đấu Vòng loại U23 châu Á, anh Hoàng Anh Tuấn sẽ đảm nhiệm công tác huấn luyện và dẫn dắt đội tham dự giải vô địch U23 Đông Nam Á và Asiad.

Tôi cho rằng đây là cách làm phù hợp, vừa giúp cá nhân tôi tập trung hơn cho những mục tiêu quan trọng, đồng thời vẫn cho phép các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát quốc tế, điều mà rất nhiều người trong số họ đang thiếu.

HLV Troussier: ""Tôi muốn nâng cao trình độ của ĐTQG nhờ các cầu thủ Việt Kiều" - Ảnh 1.

HLV Troussỉer dẫn dắt ĐT Việt Nam.

Sau khi có kết quả bốc thăm vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, ông đánh giá thế nào về cơ hội tiến xa của ĐT Việt Nam khi rơi vào bảng đấu có sự hiện diện của Iraq, Philippines và Indonesia?

Tôi có nghe nhiều người nói đây là bảng đấu dễ dàng cho Việt Nam, nhưng chúng tôi dành sự tôn trọng cho mọi đối thủ. Trên lý thuyết, Việt Nam được đánh giá cao thứ hai trong bảng đấu dựa theo thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA và nhóm hạt giống bốc thăm.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng bóng đá thực sự được quyết định bởi những gì diễn ra trên sân cỏ chứ không đến từ con số trên giấy tờ. Đối với cá nhân tôi, đây là một lá thăm thú vị bởi ĐT Việt Nam đã thường xuyến đối đầu với Philippines và Indonesia tại đấu trường Đông Nam Á, trong khi tại Asian Cup vào tháng 1, chúng ta cũng sẽ chạm trán Iraq và Indonesia.

Đó là lý do vì sao tôi và Liên đoàn đã lập tức hoàn thiện kế hoạch nhằm chuẩn bị đội tuyển một cách tốt nhất để đương đầu với những thử thách phía trước. Sau trận giao hữu gặp Palestine vào tháng 9, vốn là một đối thủ đến từ Tây Á và sở hữu nhiều điểm tương đồng với Iraq, chúng tôi sẽ có thêm một số trận giao hữu chất lượng khác trong FIFA Days tháng 10.

Chúng tôi cũng đã phối hợp với VPF để soạn thảo được lịch thi đấu các giải đấu quốc nội mùa giải mới với sự sắp xếp hợp lý nhất, nhằm cân bằng hài hòa lợi ích của cả các CLB, cầu thủ và ĐTQG.

"Tôi muốn nâng cao trình độ của ĐTQG nhờ các cầu thủ Việt kiều"

Theo ông, trong quãng thời gian qua, đâu là điểm yếu các cầu thủ cần khắc phục để thi đấu đúng với triết lý bóng đá ông theo đuổi?

Ở thời điểm hiện tại, tôi đang có cảm giác tương tự với những gì đã trải qua tại Nhật Bản 20 năm trước. Chúng ta có tham vọng lớn hướng tới World Cup, nhưng chúng ta cũng cần tin tưởng và hành động. Các cầu thủ đều muốn đá World Cup, nhưng không ai trong số họ có trải nghiệm về quá trình hướng tới việc này. Đó là lý do vì sao tôi thường nói với họ: "Tôi là một HLV có kinh nghiệm World Cup". Nói như vậy không chỉ để khích lệ, mà là để tạo ra sự tin tưởng trong mỗi cá nhân để vượt qua những thử thách phía trước.

Đáp ứng những tiêu chuẩn chơi bóng hàng đầu của châu lục và thế giới là điều không hề dễ dàng, nhất là khi chỉ xét trên phương diện một cá nhân cầu thủ đến từ Việt Nam, vốn không trải qua nhiều sự cọ xát thường xuyên hay cơ hội thi đấu nước ngoài với cường độ cao. Tuy nhiên, tôi hay chia sẻ với họ câu chuyện mà tôi đã trải nghiệm với các cầu thủ Nhật Bản.

Ở thời điểm đó, gần như không có cầu thủ Nhật Bản nào chơi bóng tại nước ngoài. Dù vậy, nếu mọi cá nhân trong đội tuyển duy trì được tinh thần đoàn kết và tuân thủ đấu pháp tập thể, tạo nên một khối sức mạnh đồng nhất trong toàn đội, chúng ta vẫn có thể gây ra khó khăn cho mọi đối thủ.

Dĩ nhiên, mỗi cá nhân vẫn cần thể hiện phần trách nhiệm bản thân để đóng góp cho lợi ích tập thể. Nền tảng cho việc này đến từ hoạt động thường nhật của họ tại môi trường CLB. Đó là nguyên nhân vì sao tôi đề cao sự hiện diện của các HLV nước ngoài, cùng với đó là nói nhiều và liên tục vận động việc gia tăng số trận đấu cho cầu thủ tại các giải đấu trong nước.

Họ cần gia tăng hơn nữa tính cạnh tranh qua việc được tạo điều kiện tập luyện chất lượng hơn mỗi ngày, ra sân thi đấu thường xuyên hơn và cường độ hoạt động trong bối cảnh đối kháng gia tăng hơn nữa. Từ đó, ĐTQG nghiễm nhiên sẽ hưởng lợi.

HLV Troussier: ""Tôi muốn nâng cao trình độ của ĐTQG nhờ các cầu thủ Việt Kiều" - Ảnh 2.

HLV Troussỉer tập luyện cùng ĐT U23 Việt Nam.

Ông từng có câu nói nổi tiếng về triết lý bóng đá của mình: "Tôi không cho phép 40 giây chơi solo, ngay cả khi Jimi Hendrix, tay guitar giỏi nhất thế giới ở trong ban nhạc của tôi. Thành công đến từ việc chiến đấu có tổ chức". Ông có thể nói rõ hơn về triết lý này không?

Bóng đá là môn thể thao tập thể. Chắc chắn chúng ta cần những cá nhân tài năng trong đội hình, nhưng tất cả các cầu thủ cần có sự liên kết với nhau như những bộ phận lắp ráp trong cỗ máy. Tôi tự coi bản thân mình như một người nhạc trưởng.

Tất cả các cầu thủ đóng vai trò như những nhạc công, với mỗi cá nhân chuyên biệt nhạc khí khác nhau. Ví dụ này tương đồng với những gì xảy ra bóng đá, với mỗi cầu thủ sở hữu vị trí thi đấu sở trường. Nhiệm vụ của tôi là tập hợp được những nhạc công phù hợp nhất để chơi bản giao hưởng và khá thường xuyên, chúng ta không cần tới những nhạc công giỏi nhất để tạo ra một giai điệu hòa hợp.

Ông từng phát biểu sẽ dành nhiều cơ hội cho các cầu thủ Việt kiều có cơ hội cống hiến cho ĐTQG Việt Nam. Theo ông, điều này có quan trọng với Việt Nam bởi từ trước tới nay, ngoài trường hợp Đặng Văn Lâm, hầu hết các cầu thủ thuộc nhóm này chưa đạt được hiệu quả như mong đợi? Ông có biết nhiều về các cầu thủ Việt kiều tại Pháp, ví dụ như Jason Pendant Quang Vinh?

Những thành tựu gần đây của các ĐTQG châu Phi, cả ở bóng đá nam và nữ, đã cho thấy sự bổ sung của nhóm cầu thủ có yếu tố nước ngoài có thể đem tới sự khác biệt rõ rệt về trình độ. Rất gần với Việt Nam, chúng ta có thể thấy trường hợp của ĐT nữ Philippines khi họ thi đấu một cách song phẳng với một số đội tuyển châu Âu trước và trong World Cup.

Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu nền tảng tốt đến từ nhóm cầu thủ đào tạo trong nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nâng cao trình độ đội tuyển hơn nữa, thậm chí vượt bậc, sự bổ sung nguồn lực Việt kiều là điều cần thiết. Hồi tháng 6, chúng tôi đã triệu tập cầu thủ Nguyễn An Khánh từ Cộng hòa Czech. Dù là cầu thủ trẻ tuổi nhất trong số tập trung, An Khánh cho thấy cậu ấy là một cầu thủ giàu tiềm năng, với trần phát triển còn cao khi sở hữu cơ hội thi đấu hàng tuần trong môi trường cạnh tranh tại châu Âu. Đó có lẽ là điểm khác biệt duy nhất, nhưng là lớn nhất, giữa một cầu thủ bản địa được đào tạo tại Việt Nam và cầu thủ Việt kiều được đào tạo tại nước ngoài.

Tôi hi vọng rằng, từ trường hợp của An Khánh và sắp tới đây là Filip Nguyễn nếu cậu ấy hoàn tất thủ tục trở thành công dân Việt Nam, chúng ta có thể chào đón nhiều hơn nữa các cầu thủ Việt kiều trở về nhầm củng cố sức mạnh ĐTQG.