Đường Vườn Thơm dẫn vào làng mai vàng Bình Lợi, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM không khó bắt gặp nhiều căn nhà lầu hoành tráng, phía trước có bãi đỗ ô tô riêng.
So với cách đây 5 - 10 năm, diện mạo xã nông thôn mới này đã thay đổi hoàn toàn. Đời sống cơ sở vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao đáng kể.
Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, cho biết mai vàng đang là loại cây trồng chủ lực trên địa bàn hiện nay. Xã Bình Lợi hiện có hơn 450ha mai vàng, là vùng trồng mai tập trung, có quy mô lớn nhất TP.HCM. Cây mai vàng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng mía, trồng lúa trước đây.
Theo bà Công, cũng nhờ mai vàng, địa phương đã xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú, làm giàu trên mảnh đất chua phèn Bình Lợi. Cận Tết, luôn là thời điểm cả xã nhộn nhịp nhất, mai vàng được nông dân, thương lái chở đi khắp nơi tiêu thụ.
“Cây mai phù hợp thổ nhưỡng địa phương, đầu ra tốt do đáp ứng được nhu cầu đô thị lớn như TP.HCM. Người dân lại có kinh nghiệm chăm sóc lâu đời. Ngoài cây mai, trên địa bàn còn có nhiều mô hình nông nghiệp đô thị khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá koi, dừa Mã Lai…”, bà Công nói.
Tương tự, các mô hình trồng rau công nghệ cao, cá kiểng, nuôi tôm… cũng đang giúp nông dân các huyện nông thôn mới Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ có thu nhập cao. Nhiều nông dân tiêu biểu của TP.HCM vài năm trở lại đây cũng đi lên từ các mô hình sản xuất, canh tác này.
Thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả, nông dân đã mở rộng, phát triển mô hình sản xuất, sử dụng thêm nhiều lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Theo thống kê của Sở NNPTNT TP.HCM, nửa đầu năm 2023, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Nhờ làm nông nghiệp đô thị, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu.
Trao đổi với Dân Việt, bà Hoàng Thị Mai - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết để tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương, ngành nông nghiệp TP đang tập trung vào 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rau, hoa - cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh.
Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của TP.HCM ước đạt 9.089 tỷ đồng, tăng 2,15% so cùng kỳ; trong đó, trồng trọt tăng 1,36%, chăn nuôi tăng 0,69%, thủy sản tăng 5%.
Đáng chú ý, chỉ với 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng trên, giá trị sản xuất đã chiếm tỷ trọng khoảng 68% trên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của TP.HCM nửa đầu năm 2023. Điều này cho thấy, về mặt kinh tế, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang phát huy lợi thế, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, những sản phẩm nông nghiệp chủ lực này phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nông nghiệp đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới của TP.HCM.
Rau, hoa - cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh là các sản phẩm nông nghiệp có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, có tiềm năng mở rộng thị trường. Các sản phẩm trên cũng thuận lợi về mặt tham gia chuỗi liên kết và cung ứng, cho lợi nhuận cao, đồng thời, có thuận lợi trong việc ứng dụng các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.