Cụ Nguyễn Thị Bích (ngồi giữa trong bức ảnh) 76 tuổi, trú tại số nhà 4, ngõ 104, đường Dân Lập, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng chia sẻ, nhiều ngày nay hai vợ chồng cụ và nhiều cụ cao tuổi khác, rồi rất nhiều người dân cùng xóm liên tục cập nhật thông tin trên Báo, đài về tình hình đám tang của "bác Lê Văn Thành".
Nhắc tới Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các cụ một câu "bác Thành", hai câu sử dụng từ "bác Thành" với một sự ghi nhận, nể phục dành cho ông.
Cụ Bích cho biết, mặc dù bác Thành không phải là người trong gia đình, không phải người thân hay họ hàng nhưng sự ra đi của bác ở độ tuổi 61 đã để lại niềm luyến tiếc cho cá nhân cụ và rất nhiều người dân xóm phố nơi cụ ở nói riêng, của người dân thành phố Hải Phòng nói chung.
Theo cụ Bích, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với nhiều cương vị, chức vụ và công việc khác nhau trong quá trình công tác, và trên cương vị nào ông cũng nói đi đôi với làm và làm rất quyết liệt, có hiệu quả. Bác Thành là người có công lớn đối với quê hương Vĩnh Bảo nói riêng và với thành phố Hải Phòng nói chung. Ông là niềm tự hào của gia đình, của người dân quê hương Hải Phòng.
Cụ Nguyễn Thị Bích (ngồi giữa) 76 tuổi, trú tại số nhà 4, ngõ 104, đường Dân Lập, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng chia sẻ về Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Video: Trần Phượng thực hiện.
Cụ Nguyễn Thị Ngân, 72 tuổi, hàng xóm của cụ Bích cũng cho biết thêm: "Chúng tôi nghe và theo dõi thông tin về lễ tang hai ngày nay. Một điều chúng tôi ấn tượng ở chi tiết gia đình thông báo không nhận tiền phúng viếng đám tang của bác Thành. Chúng tôi đánh giá việc làm, hành động của gia đình vô cùng văn minh, làm gương cho xã hội và chúng tôi cũng muốn học tập cách làm này".
Không chỉ các cụ cao niên mà rất nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau đều dành tình cảm vô cùng đặc biệt đối với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dù chưa từng gặp mặt.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Khương, 36 tuổi, trú tại xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng cho biết, bác Thành là một người lãnh đạo có tâm và tầm. Tại thời điểm làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, bác đã góp phần làm thay đổi rõ rệt mọi mặt của địa phương cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội.
Đáng trân trọng hơn và ấn tượng sâu sắc trong lòng anh Khương đó là công lao và tâm sức trong việc đồng hành cùng nhân dân gồng mình chống chọi với đại dịch Covid -19 của ông Lê Văn Thành. Nhớ lại, khi đại dịch Covid bùng phát căng thẳng, các siêu thị cửa hàng đều cháy hàng vì người dân hoang mang tích trữ lương thực thực phẩm nhưng chỉ với bài phát biểu ngắn gọn, xúc tích, tập trung vào giải pháp, ông Thành lúc đó là Bí thư Thành ủy đã trấn an hơn 2 triệu người dân thành phố Hải Phòng.
Ông Nguyễn Thành Đoàn, 72 tuổi, Thương binh hạng 2/4, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Hải Phòng chia sẻ, kể từ khi ông Lê Văn Thành giữ cương vị Bí thư Thành uỷ, các gia đình thương binh, liệt sỹ nói riêng, gia đình chính sách, người có công nói chung của Hải Phòng được quan tâm hơn trước, từ việc nhỏ đến việc lớn.
"Không phải mình tôi, mà là nhiều người dân thành phố ghi nhận việc ông Lê Văn Thành đã làm được nhiều việc lớn cho thành phố trong vai trò người lãnh đạo, chỉ đạo. Ông là cán bộ nói đi đôi với làm. Những người thương binh, bệnh binh và người khuyết tật chúng tôi nói riêng và nhiều người dân thành phố Cảng luôn ghi nhớ công lao của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi tận tâm, tận lực góp phần đưa thành phố Hải Phòng phát triển hơn và góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày một to đẹp hơn", ông Nguyễn Thành Đoàn xúc động nói.