Mới đây, Bộ Công an đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).
Theo đó, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật này tại kỳ họp thứ sáu vào tháng 10-2023 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy vào tháng 5-2024. Hiện dự thảo Luật TTATGTĐB đang được lấy ý kiến góp ý.
Thêm quy định để phù hợp với thực tiễn
Theo Bộ Công an, những năm qua, tình hình an ninh TTATGTĐB tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.
Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, cả nước đã xảy ra 379.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 124.000 người, bị thương hơn 367.000 người, chiếm hơn 97% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông.
Theo Bộ Công an đánh giá, tình trạng ngang nhiên vi phạm, xem thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra thường xuyên bởi văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông tại các TP lớn còn phức tạp do lưu lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Trong khi đó, việc tổ chức hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu, gây ra những thiệt hại không nhỏ đến kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của người dân… Trước tình hình nêu trên, việc an toàn cho người dân trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được đảm bảo.
Trong khi đó, quy định của Luật GTĐB năm 2008 được xây dựng và ban hành đã 15 năm. Khi ấy, hệ thống hạ tầng giao thông chủ yếu là mô tô, xe máy. Với thực tiễn hiện nay, nhiều quy định của Luật GTĐB chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực GTĐB.
Mặt khác, Luật GTĐB không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGTĐB, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGTĐB còn thiếu rõ ràng…
Từ những thực tiễn trên, Bộ Công an cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật TTATGTĐB với mục tiêu đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông là cần thiết.
Đồng thời, dự thảo luật cũng đưa ra những quy định để xác định trách nhiệm cụ thể của cơ quan nhà nước về TTATGTĐB. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm sự điều chỉnh sát với thực tế về pháp lý. Luật TTATGTĐB sẽ khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật GTĐB hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển luật pháp của nước ta và thông lệ quốc tế.
Tình trạng ngang nhiên vi phạm, xem thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra thường xuyên bởi văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém.
Tăng quyền kiểm tra, kiểm soát đối với CSGT
Tại dự thảo Luật TTATGTĐB có những điểm mới so với quy định tại Luật GTĐB hiện hành.
Cụ thể, tại Điều 61, dự thảo Luật TTATGTĐB đã bổ sung quy định về căn cứ dừng phương tiện tham gia GTĐB để kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, CSGT được dừng phương tiện tham gia GTĐB để kiểm soát thuộc một trong các trường hợp sau: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật.
Những hành vi vi phạm pháp luật về TTATGTĐB mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được.
Phục vụ bảo đảm an ninh trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.
Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định những trường hợp thông tin, giấy tờ của người, phương tiện tham gia GTĐB đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, CCCD thì thực hiện xác thực các thông tin, giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử, CCCD.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định về việc ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, chống người thi hành công vụ đối với lực lượng chỉ huy, điều khiển giao thông.
CSGT giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi vi phạm pháp luật; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm; chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát; giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của họ. Cưỡng chế trong trường hợp người có hành vi vi phạm pháp luật không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ tuần tra, kiểm soát.
Trường hợp người điều khiển phương tiện GTĐB không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện, bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để xử lý vi phạm.
Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật.•
Một số điểm mới khi tham gia giao thông
Trong dự thảo Luật TTATGTĐB có bổ sung một số quy tắc chung khi tham gia GTĐB:
- Người lái xe và người được chở trên ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông.
- Đối với trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới
1,35 m, được chở trên ô tô chở người dưới 10 chỗ thì không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe.
- Trẻ em dưới bốn tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em.
- Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ, dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
- Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ hoặc không có báo hiệu qua đường, nếu người điều khiển phương tiện quan sát thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật…