Nhờ nuôi cá chép Nhật, cá koi, ông Trương Trung Cường, ngụ tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã vươn lên làm giàu. Mô hình nuôi cá chép của ông Cường là một trong những mô hình điểm, tiêu biểu, hiệu quả kinh tế cao của địa phương và huyện Bình Chánh.
Ông Cường đang sở hữu hơn 3ha diện tích nuôi cá cảnh. Các loại cá cảnh, mà đặc biệt là cá chép Nhật và cá Koi mang lại cho ông nông dân này thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, ông Cường còn giải quyết việc làm cho khoảng 16 lao động địa phương.
Theo ông, trước đây, nông dân xã Tân Nhựt thường trồng lúa, nuôi cá thịt nhưng năng suất thấp. Sau này, các ao nuôi được cải tạo, chuyển qua nuôi cá chép. Do phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên chất lượng cá tốt, nhu cầu của thị trường, nhất là tại đô thị lớn như TP.HCM rất cao. Ngoài ra, cá cảnh còn được xuất khẩu sang nhiều nước. Nhờ vậy, giá trị kinh tế từ cá cảnh vượt ngoài mong đợi.
Hiện ông Cường đã và đang tích cực hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho nông dân trong xã phát triển nghề nuôi cá cảnh trong ao đất. Ông cũng nhận bao tiêu cho hơn 10 hộ nông dân trong xã, giúp nông dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất.
Với đặc thù môi trường tự nhiên khá giống nhau, nhiều nông dân ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh cũng đang phát triển nghề nuôi cá cảnh, chủ yếu là cá chép Nhật và cá koi.
Ông Nguyễn Tấn Phong - Giám đốc HTX Cá cảnh Bình Lợi, cho biết HTX hiện có 9 thành viên, tập trung nuôi và cung cấp ra thị trường các loại cá chép kiểng, cá chép Nhật, cá chép koi.
Theo ông Phong, thời gian qua, thương hiệu cá chép Bình Lợi đã gây dựng tốt trên thị trường bởi độc đáo về màu sắc, sức sống tốt nên việc thành lập HTX hồi cuối năm 2022 đã tạo điều kiện các hộ liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra.
Giám đốc HTX Cá cảnh Bình Lợi đánh giá cũng nhờ chuyển đổi từ trồng lúa năng suất rất thấp sang nuôi cá cảnh mà các hộ dân đã có thu nhập khá hơn, làm giàu đẹp xã nông thôn mới Bình Lợi.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, cá cảnh đang là một trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố hiện nay, có đóng góp tích cực vào việc nâng cao thu nhập, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của bà con các huyện nông thôn mới.
Tính đến tháng 6/2023, sản lượng cá cảnh trên toàn thành phố đạt khoảng 52,4 triệu con. Bình Chánh, Củ Chi là hai huyện đang phát triển khá mạnh mô hình nuôi cá cảnh, chủ yếu là cá chép Koi, cá dĩa, cá xiêm, cá ba đuôi, cá bảy màu, cá hồng kim, cá bạch kim…
Ngoài tiêu thụ trực tiếp tại thành phố và phân phối khắp cả nước, cá cảnh TP.HCM còn xuất khẩu sang nhiều thị trường, nhiều nhất là châu Âu (chiếm 63,5%), châu Á (27,7%) và châu Mỹ (6,8%).
Theo thống kê của Sở NNPTNT TP.HCM, nửa đầu năm 2023, số lượng cá cảnh trên địa bàn thành phố xuất khẩu khoảng 6 triệu con. Kim ngạch xuất khẩu cá cảnh thu về khoảng 6,25 triệu USD.
Như vậy, nếu tính trung bình, mỗi tháng, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh tại TP.HCM đạt hơn 1 triệu USD.
Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới các huyện ngoại thành TP.HCM, tăng thu nhập cho người dân trong giai đoạn hiện nay, ngành nông nghiệp TP tập trung định hướng tái cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố, trong đó có cá cảnh.
Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết theo định hướng này, TP.HCM có Quyết định số 04/2016, Nghị quyết số 10/2017 và Quyết định số 655/2018 quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố, hay còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng để sản xuất cá cảnh, sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ một phần lãi vay.
Tuy nhiên, theo bà Mai, các chính sách hiện hết hiệu lực, Sở NNPTNT TP.HCM đang tiếp tục tham mưu UBND TP trình HĐND TP tiếp tục triển khai chính sách này giai đoạn đến năm 2030.