Dân Việt

Nam công nhân bỏ việc đi đan mây, ngỡ thất bại ai ngờ kiếm trăm triệu

Theo Nguyễn Vy 28/08/2023 12:39 GMT+7
Đang là công nhân làm việc tại công ty thực phẩm, Văn Bảo quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp ở lĩnh vực đan mây, bước đầu đã thành công ngoài mong đợi.

Anh công nhân mắc "bệnh" liều

Đặt bút ký vào lá đơn xin nghỉ việc, nam công nhân Nguyễn Văn Bảo (33 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM) run lắm nhưng thầm nghĩ: "Quyết liều lần này".

Là công nhân tại công ty thực phẩm trong 12 năm, anh Bảo được phân công vị trí vận hành với thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, chàng trai vẫn đau đáu mong ước khởi nghiệp.

Nam công nhân bỏ việc đi đan mây, ngỡ thất bại ai ngờ kiếm trăm triệu - Ảnh 1.

Anh Bảo với những sản phẩm mây đan hình độc lạ được ưa chuộng trên thị trường (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Lúc đó mê khởi nghiệp lắm, muốn tự mình đi con đường riêng công việc có thể là gọi là ổn nhưng tôi vẫn cảm thấy bức bối trong lòng. Tôi nghĩ, nếu không bắt đầu thì sẽ bỏ lỡ nhiều thứ", anh Bảo kể.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê ở Nghệ An, gia đình không khá giả khiến Bảo phải nghỉ học từ sớm để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ở quê nhà, công việc vất vả mà đồng lương lại bèo bọt, Bảo một mình lặn lội vào TPHCM để lập nghiệp.

Tuổi thơ của anh gắn liền với những làng nghề thủ công nơi quê nhà. Chàng trai vốn từng mong trở thành người thợ thủ công lành nghề.

Năm 2021, trong một lần lướt mạng xã hội, Bảo vô tình nhìn thấy những sản phẩm đan mây hình cá rất bắt mắt. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng theo đuổi bộ môn này dù đã có công việc ổn định với mức lương có thể giúp anh trai quê "đổi đời".

"Ban đầu tôi không ít lần đắn đo, vì không biết liệu có thành công không. Sau những lần đấu tranh tư tưởng, tôi quyết tâm theo đuổi thứ mình thích đến cùng", chàng trai bộc bạch.

Nam công nhân bỏ việc đi đan mây, ngỡ thất bại ai ngờ kiếm trăm triệu - Ảnh 2.

Việc gia công sản phẩm thủ công mất nhiều thời gian, công sức nên giá thành cũng cao (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sáng làm ở công ty, tối về anh lao đầu vào nghiên cứu cách tạo hình sản phẩm. Có nhiều đêm phải tăng ca, đôi mắt nặng trĩu vì thiếu ngủ vẫn không ngăn được chàng trai trẻ "đốt" lửa đam mê.

Thời điểm đó, hiếm có tài liệu hướng dẫn, Bảo phải tự nghiên cứu. Số sản phẩm hư hỏng, bỏ đi không đếm xuể. Lắm lúc tưởng chừng như đã từ bỏ, Bảo một lần nữa vực dậy nhờ sự động viên từ gia đình, bạn bè.

Nam công nhân bỏ việc đi đan mây, ngỡ thất bại ai ngờ kiếm trăm triệu - Ảnh 3.

Nhiều lần tưởng chừng bỏ cuộc, chàng công nhân càng có thêm nhiều động lực để cố gắng hơn trong hành trình khởi nghiệp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bỏ cả mồ hôi, nước mắt lẫn máu, Bảo chợt vỡ òa khi dây mây tạo hình cá đầu tiên thành công sau 1 năm mày mò. Càng ngày, Bảo càng có nhiều khách hàng thân thiết, thậm chí coi anh là bạn, sẵn sàng góp ý để người thợ hoàn thiện sản phẩm.

Từ đó, Bảo đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Đơn hàng ồ ạt đến khiến Bảo và nhân sự mỏi tay làm ngày làm đêm mới kịp.

Sự tỉ mỉ của người thợ yêu nghề

Kinh doanh ăn nên làm ra, Bảo chính thức nghỉ việc từ năm ngoái, thuê nhà để mở xưởng thủ công chuyên sản xuất những sản phẩm mỹ nghệ từ mây.

Toàn bộ số tiền dành dụm trong thời gian làm công nhân, Bảo dùng để mua máy móc, nhập dây mây rừng về để gia công. Nhân sự ở xưởng toàn là người nhà.

"Nghĩ lại tôi thấy bản thân cũng liều nhưng người trẻ muốn khởi nghiệp thành công thì phải quyết đoán và thật kiên trì. Mỗi người có cách riêng để thành công, nhưng phải thật sự theo đuổi thứ mình thích", chàng trai cho hay.

Nhờ sự chăm chỉ, yêu nghề, chỉ tính riêng sản phẩm cá từ dây mây, xưởng của Bảo đã cung cấp ra thị trường từ 30 đến 40 con/tháng. Trong đó, giá thành mỗi con thấp nhất là 500.000 đồng, cao có thể đến 40 triệu đồng.

Nam công nhân bỏ việc đi đan mây, ngỡ thất bại ai ngờ kiếm trăm triệu - Ảnh 4.

Sản phẩm của Bảo được nhiều người trưng bày trong nhà, tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Để có một con cá làm từ dây mây hoàn chỉnh, sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp.

Quy trình chung, trước hết, Bảo lên ý tưởng rồi thiết kế hình dáng, kích thước của mô hình. Sau đó, người thợ làm đến khuôn tre, cố định bằng kỹ thuật riêng. Cuối cùng là đan cố định các đoạn mây lại với nhau, rồi đánh bóng, sơn lớp ngoài.

Với sản phẩm hình cá, Bảo sẽ làm từng bộ phận rồi ghép lại với nhau, hoàn thiện.

Để đa dạng sản phẩm, Bảo sáng tạo thêm hình dáng bạch tuộc, ốc, nón lá,… vô cùng tinh xảo. Chàng trai còn kết hợp sản phẩm cùng với đèn điện tử nhìn cho đẹp hơn.

Nam công nhân bỏ việc đi đan mây, ngỡ thất bại ai ngờ kiếm trăm triệu - Ảnh 5.

Bảo còn gắn thêm đèn điện tử để sản phẩm bắt mắt hơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Chất liệu để làm nên một sản phẩm gồm mây, tre, gỗ, đôi lúc sẽ có thêm giấy dó hoặc giấy thủ công khác. Tôi thường tìm kiếm nguồn hàng trên các hội nhóm, sau đó lần theo mối để hợp tác với các xưởng ở miền Trung, Bắc để có các nguyên liệu theo yêu cầu", chàng trai chia sẻ.

Khách hàng của Bảo ở khắp cả nước, từ các thương lái tới khách sạn, nhà hàng, đến thị trường nước ngoài như Mỹ, Úc,… Doanh thu của xưởng có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng tùy thời điểm. Mỗi ngày, xưởng phải có 5-6 nhân công thay phiên làm việc mới kịp sản xuất, cung cấp đủ hàng.