Mở mắt ra là phải học tiếng Anh, phụ huynh nhận xét "lịch học ổn"
Thầy Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) chia sẻ trên trang cá nhân hình ảnh thời gian biểu của một học sinh tiểu học được người mẹ tự thiết kế cho con. Theo đó, một ngày của đứa trẻ bắt đầu từ sáng sớm với việc học tiếng Anh trong một tiếng đồng hồ. Đều đặn 5 ngày/tuần, 5h30-6h30 sáng.
Từ 7h tối, trẻ tiếp tục ngồi vào bàn học đến 9h30 với 1 tiếng dành cho toán, tiếng Việt và các môn trên lớp, 45 phút dành cho môn toán hoặc tiếng Việt theo chương trình của trường Archimedes, 45 phút dành cho tiếng Anh.
Không có một phút giải lao xen kẽ giữa các môn học. Không có bất kỳ hoạt động nào ngoài học được người mẹ thiết kế vào thời gian biểu của con mỗi tối, sau cả một ngày dài học tại trường.
Tổng thời gian dành cho việc tự học và việc đến trường học của trẻ là 16 tiếng đồng hồ/ngày.
Dòng chia sẻ của thầy Vũ Khắc Ngọc gây ra tranh cãi về thời gian học tiếng Anh của trẻ khi mỗi ngày đều học gần 2 tiếng. Mở mắt ra đón ngày mới bằng việc học tiếng Anh. Kết thúc một ngày cũng là học tiếng Anh. Một tài khoản bình luận "lịch học này bình thường".
Đưa thời gian biểu nói trên cho chị Trần Thị Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - người mẹ có con gái đang học lớp 5, chị nhận xét: "Lịch học này ổn nhưng chưa phải lịch học để đi thi. Trừ 1 tiếng học lúc 5 rưỡi sáng, lịch học của con tôi cũng vậy".
Con chị Hà dự định sẽ thi vào một số trường THCS chất lượng cao của Hà Nội như Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Chuyên ngoại ngữ.
Thời gian biểu của con chị Hà bắt đầu lúc 6g30 để vệ sinh cá nhân, ăn sáng và tới trường. Con ở trường từ 7h40 đến 16h30. Từ 16h30, chị Hà đón con, cho con ăn nhẹ trước khi tới trung tâm học thêm. Lịch học thêm phủ kín 6 ngày/tuần. Con thường có mặt tại nhà sau 21h, rất ít khi ăn tối cùng bố mẹ.
"Hàng tuần, con nghỉ chiều thứ bảy tới hết sáng chủ nhật. Thời gian dành cho tiếng Anh của con không dưới 2 tiếng. Có khi lên đến 3-4 giờ nếu tính cả tiết tiếng Anh ở trường. Tôi thấy con vất vả, nhưng nếu không ôn luyện, con không có cơ hội cạnh tranh được với các bạn để đỗ", chị Hà tâm sự.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho hay, khi chia sẻ thời gian biểu nói trên, ông biết có rất nhiều phụ huynh đang chạy theo guồng quay học hành và cuộc đua tiếng Anh đó. Một phần xuất phát từ cách tuyển sinh của các trường chất lượng cao, một phần cha mẹ nào cũng sợ con bị bỏ lại phía sau, thua kém "con nhà người ta".
"Trẻ con vô tình trở thành nạn nhân của sự kỳ vọng của cha mẹ", thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định.
Người lớn cũng kiệt sức nếu ngày nào cũng học 5h30-21h30
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhìn vào lịch học 5h30-21h30 với đầy ắp các môn toán, tiếng Việt, tin học, tiếng Anh đã tưởng đây là lịch ôn thi cao điểm của một sinh cuối cấp để tranh suất vào một trường THPT chuyên chọn.
"Với độ tuổi tiểu học, hoạt động chủ đạo của các em là học tập và vui chơi. Phương pháp hứng thú nhất để truyền cảm hứng học tập là học thông qua chơi, học thông qua hoạt động.
Nên với lịch học dày đặc như thế này, bố mẹ đang tước đi quyền được chơi của các em, khiến các em không thể phát triển toàn diện cả về khía cạnh xã hội, kỹ năng ứng xử, sức khỏe tinh thần và thể chất.
Với lịch học được lập trình kín đặc như thế này, các em làm gì còn cơ hội để mà tư duy sáng tạo hay rung cảm với những giá trị thẩm mỹ nghệ thuật.
Đặt quá nhiều áp lực vào học kiến thức, coi nhẹ và loại bỏ các kỹ năng từ tiểu học thế này, làm sao mà chúng ta có một thế hệ trẻ tự tin, biết tự định hướng trong các tình huống xã hội thực tế được.
Khi học tập trở thành nỗi ám ảnh con trẻ, làm sao chúng ta có thể truyền cho các em khát vọng học thành tài để tạo ra những giá trị cho xã hội, cho đất nước được", ông Trần Thành Nam bức xúc.
Cùng quan điểm, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc) - đánh giá: "Có thể nói tình trạng phụ huynh đặt áp lực học tập lên con khá phổ biến. Nhưng đó là cái sai phổ biến chứ không phải cái đúng phổ biến. Người lớn cũng kiệt sức nếu ngày nào cũng học 5h30-21h30".
Thầy Mạnh cho hay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh học hai buổi/ngày là không phải làm bài tập về nhà. Do đó nếu trường học nào còn giao bài tập về nhà hoặc cha mẹ giao thêm bài tập cho con là không đúng với quy định.
Tuy nhiên, tâm lý dùi mài kinh sử, học tập từ sáng sớm đến tối muộn để đỗ đạt và giỏi là hệ lụy của lối giáo dục cũ và chưa thể giải quyết với đại bộ phận phụ huynh.
"Cách giải quyết ở đây là nhà trường phải giúp chính các giáo viên của mình hiểu được việc trẻ học thế nào thì hiệu quả, cân bằng giữa học tập, phát triển thể chất và tâm hồn. Muốn phụ huynh hiểu thì thầy cô phải hiểu trước và thực hiện đúng.
Ở trường chúng tôi, giáo viên được yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh, thay vào đó là các nhiệm vụ về nhà. Giáo viên phải xây dựng khung nhiệm vụ trong năm học, đồng thời chia học sinh theo từng nhóm để giao nhiệm vụ phù hợp.
Ví dụ với môn tiếng Việt lớp 1, nhiệm vụ về nhà của học sinh là nói lại với bố mẹ suy nghĩ về những ngày đầu đến lớp, bố mẹ quay clip gửi lại cho giáo viên. Với môn toán lớp 2, học sinh được giao phát triển phép cộng và trừ thành bài toán thực tế, nhưng tối đa chỉ hai bài.
Không phải ngày nào cô giáo cũng giao nhiệm vụ liên quan sách giáo khoa, nhiệm vụ về nhà có ngày chỉ là tập một điệu nhảy cho lễ khai giảng", thầy Mạnh phân tích.
Vị hiệu trưởng này cũng nói thêm, điều quan trọng không kém là các trường THCS THPT phải thay đổi cách khảo thí để phụ huynh không phải chạy đua vào các lò luyện thi thì con mới có khả năng đỗ.
Thầy Đào Chí Mạnh cũng khuyên phụ huynh nên tỉnh táo trước trào lưu trường chuyên lớp chọn, bởi đó không phải con đường duy nhất để thành công. Cha mẹ nên lượng sức con, đặt con vào môi trường phù hợp với khả năng của con để xây dựng ở con niềm hứng thú với học tập, duy trì được điều đó cho tới khi trưởng thành.
"Giải pháp cho vấn đề này không chỉ đơn giản ở việc đấu tranh với bệnh thành tích. Mỗi nhà trường cần giáo dục trẻ cách thức lập thời gian biểu để cân bằng giữa các hoạt động trí não và các hoạt động thể chất xã hội.
Nhà trường cũng nên yêu cầu cha mẹ xây dựng cho con một môi trường học tập sống động ngoài cuộc sống, học từ bạn bè, từ những chuyến đi chơi thay vì nhốt con trong bốn bức tường từ lớp học chính tới lớp học thêm.
Trẻ cần được tạo không gian tự do và cho phép trẻ có những thời gian không làm gì cả trong ngày để suy nghĩ sáng tạo.
"Nhưng khâu đột phá chắc chắn phải đến từ khâu đánh giá. Chúng ta phải triệt để triển khai đánh giá theo năng lực và phẩm chất một cách toàn diện. Hiện tại chương trình giáo dục phổ thông mới đã chuyển tiếp cận từ dạy nội dung sang dạy phát triển năng lực, từ dạy chữ sang dạy người.
Nhưng việc đánh giá về cơ bản vẫn là đánh giá nội dung. Vẫn đánh giá kiểu làm đáp án trước khi làm đề. Vẫn đánh giá kiểu đo 3 vòng của người đẹp chuẩn mực để trao hoa hậu trong khi cộng đồng sẽ chỉ trích và lên án vì trình độ văn hóa ứng xử của hoa hậu quá kém.
Chỉ khi chúng ta thực sự đánh giá được năng lực và phẩm chất. Lúc đó, cách học theo kiểu nhồi nhét kiến thức của phụ huynh, không coi trọng các năng lực, phẩm chất toàn diện của con trẻ mới được hạn chế", PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định.