Người dân đốt vàng mã cúng rằm tháng 7, phố phường Hà Nội đỏ lửa
Những ngày này trên khắp các phố phường ở Hà Nội, đâu đâu cũng thấy người dân đốt vàng mã. Trước đó, Công an Hà Nội đã có những cảnh báo đặc biệt về cháy do thắp hương, đốt vàng mã rằm tháng 7.
Tục đốt vàng mã được xem như một việc làm nhất thiết phải có trong mỗi dịp lễ tết. Tuy nhiên, đốt vàng mã và câu chuyện trần sao âm vậy trong ngày lễ Vu Lan lại là câu chuyện ngày càng nhận được sự quan tâm của xã hội. Ngày 29/8, Công an TP Hà Nội đưa ra khuyến cáo để hạn chế xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại về tài sản và đảm bảo phòng cháy chữa cháy khi thắp hương, đốt vàng mã trong ngày lễ rằm tháng 7.
Đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của người trần đối với người âm, nhưng chỉ là hình thức tượng trưng. Người dân sử dụng như những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật.
Do quan niệm như vậy nên những ngày này, những chậu vàng mã cháy rực trên nhiều tuyến phố, góc phố.
Gần đây, chúng ta bắt gặp nhiều trên thị trường những mặt hàng vàng mã như nhà lầu, xe hơi, giày cao gót, điện thoại, iPad..., được sử dụng để hóa cho người đã khuất. Tuy nhiên, theo khuyến cáo Công an TP Hà Nội, đốt vàng mã phải có người trông coi, đúng nơi quy định, tránh xa nhưng nơi có vật dễ cháy. Không đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn.
Ông Nguyễn Công Chính (quận Ba Đình) chia sẻ: “Ngày xưa làm gì có điện thoại hay ô tô đâu mà hóa vàng, không có cũng không sao, ngày nay việc hóa vàng càng bị lạm dụng biến tướng không cần thiết, đốt vàng mã nhiều không thể hiện lòng biết ơn, báo hiếu. Gia đình tôi chỉ hóa vàng đơn giản từ giày dép, tiền giấy và quần áo cho các cụ”.
Nhiều gia đình đốt vàng mã tràn ra cả vỉa hè gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường chung.
Những ngày này trên khắp các phố phường Hà Nội đâu cũng thấy đỏ lửa, người dân hóa vàng sau khi làm lễ cũng rằm tháng 7.
Trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) nơi được cho là thủ phủ của vàng mã, những ngày này luôn tấp nập người dân tới mua bán.
Hình ảnh người dân hóa vàng sau khi cúng rằm tháng 7, để tro bụi không bay tứ tung làm ảnh hưởng đến môi trường và người tham gia giao thông, gia chủ đã dùng lưới sắt để quây lại khi hóa vàng cho các cụ.
Theo thông lệ, rằm tháng bảy người dân có thể cúng rằm nhiều ngày, không nhất thiết là phải cúng đúng vào ngày 15 (âm lịch).
Một người đàn ông đang làm lễ cúng chúng sinh trước cửa nhà, ngoài những lễ vật theo truyền thống từ xa xưa để lại như vàng mã, gạo tiền thì gia chủ còn mua đồ phóng sinh như cá, ốc.
Nhiều gia đình đốt cả chậu vàng mã cho các cụ.
Hình ảnh đốt vàng mã trên phố Tôn Thất Tùng, gia chủ hóa vàng trên vỉa hè ngay cạnh những vật liệu dễ cháy như ống nhựa.