Với chủ đề "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở và chuyển đổi số", cuộc thi Sinh viên với Ý tưởng Khởi nghiệp Sáng tạo năm 2023 được phát động từ ngày 12/4/2023 và đã tiếp nhận hơn 100 bài thi đến từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Các bài dự thi gồm các dự án đa dạng, đa lĩnh vực như công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm…
Tại vòng sơ loại, Ban giám khảo đã chọn ra 60 đội thi bước tiếp vào vòng bán kết và có 27 đội thi xuất sắc bước vào vòng chung kết. Các dự án vào vòng chung kết tiếp tục được Ban tổ chức huấn luyện về kỹ năng hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, tài chính khởi nghiệp, gọi vốn đầu tư và pitching… để nâng cao chất lượng bài thi.
Tại vòng chung kết, 27 đội thi được chia thành 3 bảng thi với 2 vòng thi.
Vòng 1, các đội thi đã trưng bày sản phẩm và standee tại bàn và Ban giám khảo sẽ chấm thi theo bảng, thí sinh có 5 phút thuyết trình về dự án của mình và có 7 phút để trả lời câu hỏi ban giám khảo. Sau đó, Ban giám khảo sẽ chọn ra TOP10 vào vòng 2.
Ở vòng 2, TOP10 sẽ thuyết trình trên sân khấu, mỗi đội thi có 3 phút thuyết trình và 3 phút để trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.
Sau khi chấm điểm, đánh giá, xét chọn dựa trên các tiêu chí: Ý tưởng đổi mới sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh của dự án; ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực, Ban giám khảo đã trao giải quán quân cho đội thi Aquabetle Plus - Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Aquabetle Plus - Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng là dự án do Nguyễn Hữu Tiến, Đoàn Thị Thu Hằng (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nghiên cứu từ 2 năm qua. Chế phẩm lá bàng có tác dụng hạn chế kháng sinh, giúp nâng cao chất lượng thủy hải sản cho người nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam.
Sản phẩm là một ứng dụng để giải quyết vấn đề thực tế, xuất phát từ hiện trạng của nhóm nghiên cứu môi trường sau quá trình đi thực tế.
Sản phẩm dịch chiết lá bàng khác biệt với các sản phẩm trên thị trường khi đã có đánh giá hàm lượng dược chất như Saponin và Polysaccharides cho thấy nồng độ rất tốt để ứng dụng cho các chức năng. Mức độ cô đặc bằng công nghệ giúp cho lượng sử dụng ít hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, ứng dụng trên cá cảnh sẽ ít bị gây đổi màu nước hồ làm mất mỹ quan.
Ngoài ra, dịch chiết lá bàng còn bổ sung thêm một số vi sinh có lợi trong sản phẩm sử dụng cho cá nuôi cho thị trường nuôi trồng thủy hải sản, như một số vi sinh giúp hệ tiêu hóa các thủy sản tốt hơn, hiệu quả hơn trong chuyển hóa thức ăn.
2 giải Nhì thuộc về Gen gội đầu và dưỡng tóc từ cây ngải xanh của Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) và LOTUSLEEP - Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam (Trường ĐH Công Thương TP. HCM).
2 giải Ba thuộc về CentiWork - nền tảng kết nối Freelancer Talents với Doanh nghiệp (Trường ĐH Kinh tế Luật, Trường ĐH Ngoại thương TP. HCM, Học viện Ngân hàng) và Chế phẩm thảo mộc trừ sâu từ dầu neem và hạt bình bát (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành).
4 giải khuyến khích gồm: Sản xuất nến thơm, sáp thơm từ dừa và bưởi non (Trường ĐH Công Thương TP. HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Công Nghệ TP. HCM); Sản phẩm SAKEFIT - Dòng bánh cookies giàu tinh bột kháng từ quả sake Việt Nam (Trường ĐH Công Thương TP. HCM); Michella – túi thời trang từ con men Scoby (Trường ĐH Công Thương TP. HCM) và The POLAFOAM - Mỹ phẩm Thiên nhiên dầu dừa (ĐH Công thương TP. HCM)
Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 4 giải tiềm năng cho các đội: GOVO - Nền tảng gọi vốn cộng đồng và đầu tư khởi nghiệp; Green World; Q HAIR - Bộ sản phẩm xanh chăm sóc tóc của bạn; Nước chấm, gia vị hảo hạng từ cây dược liệu quý của đồng bào dân tộc Miền Trung – Tây Nguyên.
ThS. Nguyễn Văn Ngà, Phó tổng giám đốc công ty MebiFarm, Uỷ viên Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, đánh giá cao các dự án tại cuộc thi năm nay. Theo ông Ngà, các dự án ở vòng chung kết là những dự án rất thiết thực, giàu tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhiểu nhà đầu tư và có khả năng thị trường hoá sản phẩm.