Dân Việt

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị

Bích Ngọc - Bùi Mai 01/09/2023 06:29 GMT+7
Phòng và chữa bệnh cho lươn luôn là vấn đề được người chăn nuôi quan tâm hàng đầu. Trong số phát sóng hôm nay, bà con hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị.

Cùng Sổ tay Nhà nông tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị

Trong những năm qua, nhu cầu về thịt lươn luôn ở mức cao và ổn định, việc đầu tư chi phí nuôi lươn thấp, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều bà con nông dân đã lựa chọn mô hình nuôi lươn để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, để có sản lượng lươn thương phẩm cho chất lượng cao đòi hỏi quá trình chăm sóc phải hết sức nghiêm ngặt, hạn chế tối đa yếu tố bệnh tật ảnh hưởng đến lươn. Trong số phát sóng hôm nay, bà con hãy cùng chương trình Sổ tay Nhà nông tìm hiểu một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị

Việc thời tiết thay đổi thất thường, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đã gây ra nhiều dịch bệnh trên lươn. Để phòng bệnh cho lươn, bà con nên bố trí bể nuôi trong nhà có mái che, nâng mực nước cao hơn để giảm bớt sự mất nhiệt, bỏ bèo tây, nùi nhựa để lươn trú ẩn. Nếu bể xây ngoài trời thì phải che đậy để hạn chế mất nhiệt. Theo dõi sức ăn của lươn để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp, không để tồn thức ăn thừa trong bể lâu, lươn ăn phải dễ mắc bệnh. 

1. Bệnh viêm ruột (còn gọi là bệnh đường ruột hay bệnh tuyến trùng)

Đây là bệnh do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng đường ruột gây nên. Vi khuẩn/ký sinh trùng này tồn tại trong môi trường nuôi và trong ruột lươn, tuy nhiên nếu lươn khỏe thì vi khuẩn này không ảnh hưởng, nhưng khi môi trường không tốt, sức đề kháng lươn yếu thì chúng phát triển mạnh và gây ra bệnh này. 

Biểu hiện bên ngoài của bệnh là lươn bị vết màu đỏ ở phần hậu môn, thân lươn đen, bơi chậm chạp, tách bầy, có thể có phân nổi mặt nước. Bệnh gây chết rải rác.

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị - Ảnh 2.

Bệnh viêm ruột (hay còn gọi là bệnh đường ruột hay bệnh tuyến trùng).

Khi thấy lươn có biểu hiện mắc bệnh, người nuôi cần diệt khuẩn môi trường và trộn kháng sinh vào thức ăn với liều lượng 05g/kg thức ăn, cho lươn ăn trong thời gian 5 – 7 ngày. Có nhiều loại kháng sinh có thể sử dụng, tuy nhiên để tăng hiệu quả chữa trị cần điều trị thử nghiệm ở quy mô nhỏ trước, khi thấy hiệu quả thì điều trị cho cả đàn và các bể lân cận.

2. Bệnh nấm thủy mi

Trong quá trình nuôi lươn khi thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp kéo dài, thức ăn thừa, nước dơ lươn dễ bị nhiễm nấm thủy mi. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị - Ảnh 3.

Bệnh nấm thủy mi.

Triệu chứng: các đám sợi tạo thành đốm trắng bám trên mình lươn như cục bông gòn, nếu nặng có thể gây lở loét.

Cách xử lý: Tắm lươn bằng xanh methylen hoặc thuốc tím, liều dùng 1g/m3 trong 10 – 15 phút tùy vào sức khỏe của lươn, sau đó cấp thêm nước mới vào bể. Có thể dùng nước muối 200 – 300g muối pha 10 lít nước, tắm cho lươn 15 – 20 phút.

3. Bệnh sốt nóng

Mật độ nuôi dày, oxy hòa tan thấp, thức ăn thừa làm môi trường ô nhiễm khiến lươn thường hay mắc bệnh sốt nóng. 

SỔ TAY NHÀ NÔNG: Một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị - Ảnh 4.

Bệnh sốt nóng.

Triệu chứng bệnh thường gặp là khi môi trường quá bẩn, lươn mất cân bằng sinh lý, cơ thể tiết nhiều dịch nhầy. Lươn bị xáo động trong bể, cuốn nhau thành từng búi, đầu lươn sưng phồng to, chết hàng loạt.

Để khắc phục tình trạng này, bà con cần giữ môi trường nước luôn sạch, giảm mật độ nuôi, san lươn sang bể khác, phân đàn lươn, thay nước, thêm nước sạch vào bể, nâng cao mực nước trong bể, thả bèo, che mát, thả ghép 10 – 15 con cá chạch bùn để ăn thức ăn thừa. Thường xuyên vớt lươn chết khỏi bể, thay nước mới hoàn toàn.

Đồng thời, không cho lươn ăn cá ươn, thức ăn viên bị ẩm mốc; thay nước sạch sau khi ăn, không để thức ăn qua đêm; trộn thuốc trị bệnh đường ruột (cho cá) vào thức ăn và cho lươn ăn từ 5 – 7 ngày đến khi lươn hết bệnh. Phòng bệnh bằng cách trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho lươn ăn thường xuyên.

Lươn là đối tượng rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường cũng như với các loại thuốc, hóa chất nên khi lươn bị bệnh hiệu quả chữa trị không cao. Để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người nuôi nên áp dụng phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, trong bất kỳ tình huống nào cũng cần bình tĩnh để xem xét và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. 

Trên đây là một số bệnh thường gặp ở lươn và cách phòng trị.

Mong rằng chương trình Sổ tay Nhà nông tuần này đã đem đến những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công với mô hình của mình!

Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com