"Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động" là bốn Mường cổ của đất Hòa Bình ngày trước. Nơi đây không chỉ biết đến là thủ phủ của xứ Mường mà nó còn là cái nôi văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Xứ Mường cảnh sắc nên thơ, con người mộc mạc, nền văn hóa đặc sắc là thế mạnh để phát triển du lịch. Ở bốn Mường, phong trào làm du lịch cộng đồng đã và đang là hướng làm ăn tốt cho nhiều hộ gia đình. Bà con từ vùng thấp đến vùng cao biết cách biến lợi thế địa phương thành nghề mới.
Mở cửa đón khách du lịch
Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) là 2 xã vùng cao nằm sát cao nguyên Mộc Châu. Nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm lại là nơi sinh sống của bà con người Mông. Cách đây 30 năm (1990), ở xứ sở miệt rừng này đã có một người đàn ông Mông là cụ Khà A Gia ở bản Hang Kia, xã Hang Kia đã biết mở cửa nhà đón khách.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, Hòa Bình có 101 di tích được xếp hạng; bên cạnh đó là trên 30 khu, điểm du lịch, trong đó, đã công nhận 9 điểm du lịch địa phương và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Đây là tiềm năng lớn để ngành du lịch từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Việc làm của ông Gia là khá lạ lẫm so với công việc của bà con người Mông nơi đây. Khi đó, đường lên 2 xã vùng cao này còn gian nan lắm. Vậy mà khách Tây lại rất thích đi vào cung đường này và tìm hiểu văn hóa bản địa. Ông Gia đón khách về ăn ngủ, tại nhà. Dần dần ngôi nhà gỗ thâm nâu quanh năm chìm trong sương mù ấy trở thành địa điểm lưu trú quen thuộc. Có khách đến ở là gia đình ông có thu nhập.
Cách làm của ông Gia đối với bà con người Mông nơi đây là sự lạ lẫm. Họ vốn quen làm nông nghiệp, chứ chưa ai nghĩ đến làm du lịch. Mùa nối mùa trôi qua, du khách kéo đến thung lũng sương mù này ngày một đông. Nhiều hộ dân khác nhận thấy cách làm của ông Gia nhàn hạ mà mà có thu nhập cao gấp nhiều lần so với việc trồng ngô, trồng lúa trên nương.
Chị Sùng Y Múa ở bản Hang Kia cũng mạnh dạn vay vốn mở homestay. Chị làm bài bản, nơi lưu trú sạch sẽ có nhà vệ sinh, nhà tắm hiện đại. Không dừng lại ở việc đợi khách tìm đến, Y Múa còn quảng cáo sản phẩm của mình lên mạng. Cách làm của Y Múa đã mang lại hiệu quả. Khách tìm đến ngày một đông, có những ngày chị Y Múa phải chuyển khách sang ở nhờ những nhà người thân.
Sau mỗi năm trôi qua, Y Múa mở rộng homestay của mình. Giờ nhà Y Múa có đủ khả năng đón cả trăm khách. "Sau mỗi năm đón khách, mình lại rút ra nhiều kinh nghiệm làm du lịch. Homestay ngày một hoàn thiện hơn. Nhiều công ty lữ hành đã coi khu nghỉ của gia đình thành đối tác quan trọng. Không chỉ khách Tây, khách nội địa cũng tìm đến nhà mình ngày một nhiều hơn" – chị Y Múa chia sẻ.
Hang Kia, Pà Cò nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Khí hậu quanh năm mát mẻ, vào mùa hoa mơ, hoa đào nở nơi này đẹp tựa miền cổ tích. Từ cách làm của ông Gia và Y Múa, giờ đây đã có hàng chục homestay được mở ra. Sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của bà con người Mông đã dần đẩy lùi tệ nạn đã từng tồn tại cả mấy thập kỉ. Hang Kia – Pà Cò từng là điểm nóng về ma túy, nhưng mấy năm gần đây, 2 địa danh này trở thành điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa là những chuyến săn mây kỳ thú...
Anh Giàng A La - Giám đốc HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia chia sẻ: Với mong muốn xây dựng Hang Kia trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, các thành viên của HTX đã đầu tư trồng hoa, tạo cảnh quan, quan tâm nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như thăm quan vườn mận, trang trại cam rộng 15ha của HTX …
Khách du lịch có thể tự tay dệt thổ cẩm tại gia đình hộ thành viên HTX để tạo ra những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo… Từ đầu năm đến nay, HTX đón trên 2.000 lượt khách (khoảng 500 khách lưu trú); doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.
Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng
Không riêng gì bà con người Mông ở Hang Kia biết làm du lịch, bà con người Mường sống ở các huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Sơn… cũng đã biết tận dụng lợi thế của địa phương để làm du lịch. Giờ đến đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp những homestay được xây dựng bài bản. Các chủ homestay cũng biết tận dụng lợi thế về địa hình và văn hóa bản địa, mở cửa đón khách.
Đất Mường có lợi thế là gần Thủ đô lại có phong cảnh thiên nhiên hữu tình làm say lòng người. Tỉnh Hòa Bình cũng xác định, phát triển ngành công nghiệp không khói này là xu hướng tất yếu. Việc đánh giá và nâng tầm các điểm du lịch cộng đồng là rất cần thiết. Để du lịch cộng đồng phát triển mạnh hơn, các hộ dân đã cùng nhau xây dựng thành vùng, thành lập HTX, công ty để cùng nhau làm du lịch.
Đến nay, đã có 5 bản du lịch cộng đồng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 - 4 sao, gồm: Du lịch cộng đồng Hang Kia - chủ thể là HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia; du lịch homestay bản Lác - chủ thể HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp và dịch vụ xóm Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu); Du lịch cộng đồng Đá Bia – chủ thể là Công ty CP du lịch cộng đồng Đà Bắc, xã Tiền Phong (Đà Bắc); du lịch cộng đồng xóm Ngòi – chủ thể Công ty CP đầu tư du lịch Ngòi Hoa, xã Suối Hoa; du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).
Mặc dù bước đầu đã tạo được dấu ấn, song thực tế cho thấy, loại hình du lịch cộng đồng của tỉnh Hòa Bình mới là tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa được đầu tư có quy mô lớn, chất lượng cao để có thể trở thành sản phẩm chủ đạo, khả năng cạnh tranh cao. Du lịch cộng đồng được khai thác ở nhiều địa phương, song đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thiếu đồng bộ. Nhiều bản du lịch ở xa trung tâm huyện, xã, giao thông đi lại khó khăn.
Theo bà Bùi Thị Niềm - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, hướng đến phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, an toàn, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, gắn với tiềm năng văn hóa, tự nhiên vốn có. Đặc biệt, nắm bắt xu hướng du khách hiện nay thích tìm về môi trường tự nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Việc gắn kết với các điểm tham quan, du lịch sinh thái, trải nghiệm nghỉ dưỡng, tạo thành các tour khép kín cũng được chú trọng. Nổi bật trong phát triển du lịch cộng đồng có thể kể đến một số mô hình ở các huyện như: Mai Châu, Kim Bôi, Đà Bắc, Tân Lạc… "Tại các địa phương này, du lịch cộng đồng đã được phát triển trên cơ sở hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng người dân tộc Mường, Thái, Dao… với nhu cầu trải nghiệm, khám phá của du khách" - bà Niềm cho biết.