Học giỏi chưa đủ…
Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả nhưng là con một, Thiện Minh được bố mẹ tạo nhiều điều kiện để học tập, đặc biệt là tiếp cận tiếng Anh từ lớp 1. Cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ, ngay từ nhỏ cậu bé đã coi cha mẹ là tấm gương và không ngừng nỗ lực. Vì vậy, Thiện Minh luôn có mặt trong tốp đầu lớp ở cấp tiểu học, đặc biệt là môn tiếng Anh. Cậu xuất sắc thi đỗ vào lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) và sau đó là trường phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TPHCM cùng một số giải thưởng...
Không chỉ dồn sức học, Thiện Minh còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng suốt thời gian học phổ thông. Cậu là thành viên ban tổ chức hội trại 26/3 và các tổ chức như Project Sugar, VietAbroader… Tuy nhiên, con đường học tập của cậu bé không chỉ có hoa hồng. Thiện Minh chia sẻ, có giai đoạn, cậu “ám ảnh” với tiếng Anh khi mẹ yêu cầu cậu phải xem các chương trình phim tài liệu nước ngoài. "Tôi xem hoài vẫn không hiểu được họ nói gì, phần vì vốn từ vựng và vốn sống của bản thân chưa đủ phong phú. Sau đó, tôi được mẹ cho phép chọn nội dung yêu thích để xem và tôi đã chọn Myth Busters - một chương trình có nội dung hàn lâm kết hợp giải trí. Kỹ năng nghe vừa sức và dần được cải thiện” - Thiện Minh nhớ lại.
Một trong những trải nghiệm khó quên nhất với chàng trai 9X này là lần trượt suất học bổng A*STAR tại Singapore. Thiện Minh đã học ngày, học đêm xuyên suốt năm lớp 9, thậm chí lơ là với việc ôn tập kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đối với nhiều học sinh ôm mộng xuất ngoại như Thiện Minh, học bổng trên rất có ý nghĩa bởi cậu sẽ được miễn phí gần như toàn bộ các chi phí học phổ thông ở Singapore, từ đó giảm gánh nặng tài chính cho gia đình.
Nỗ lực tột cùng nhưng vẫn rớt, Thiện Minh trở nên suy sụp và tuyệt vọng. Thất bại này khiến cậu nhận ra là luôn phải có kế hoạch dự phòng, cố gắng giảm thiểu rủi ro trước những quyết định quan trọng trong cuộc đời. "Nếu không nhờ sự động viên, hỗ trợ nhiệt tình từ người thân, bạn bè thì tôi khó có thể thi đỗ vào lớp 10 trong nước” - Thiện Minh nhớ lại.
Nhớ tiếng Việt cồn cào
Rút tỉa từ thất bại trong lần săn học bổng cuối cấp 2, sau lớp 10, Thiện Minh đã tìm được cơ hội du học tại tiểu bang New Hampshire (Hoa Kỳ). Luôn cho rằng kỹ năng nói tiếng Anh là khó nhất và muốn hòa nhập nhanh chóng vào văn hóa nước Mỹ… nên chàng trai này đã chọn một ngôi trường ở nơi hẻo lánh, ít người Việt sinh sống. Thị trấn nhỏ trên đồi nơi Thiện Minh trọ học cách thành phố lớn gần nhất là Boston khoảng hai tiếng đi xe hơi. Cậu không ngờ quyết định ấy khiến nỗi nhớ tiếng Việt trở nên cồn cào chỉ sau vài tháng sang đất lạ, quê người. Thiện Minh nhớ lại: “Mỗi tuần, tôi điện thoại về nhà nhưng chỉ được vài phút giây ít ỏi, cảm giác nhớ tiếng mẹ đẻ khó có thể nguôi ngoai”.
Chia sẻ về bí quyết đạt điểm 9.0 IELTS, Thiện Minh cho hay, ở kỹ năng nghe, anh thường xem Discovery. Kênh truyền hình này chiếu các nội dung về khoa học đời sống, công nghệ và lịch sử… nhờ đó người xem dần có vốn từ vựng lẫn vốn sống phong phú hơn. Việc nghe đài lúc đầu khá khó khăn, buộc người nghe phải rất tập trung và kiên trì mới quen dần.
Ở kỹ năng viết, Thiện Minh tập viết nhiều và thường xuyên đọc các tờ báo lớn của Mỹ như New York Times. Theo Minh, tiêu chuẩn bài viết trên báo nước ngoài như New York Times rất cao, văn phong chuẩn và việc đọc báo thực chất chính là “thức ăn tinh thần” giúp kỹ năng viết của người học tiếng Anh hoàn thiện dần.
"Với kỹ năng đọc, tôi áp dụng phương pháp tiếng Anh tư duy Linearthinking để nắm được ý chính của bài, tránh hiểu lạc đề hoặc bị rối giữa rừng thông tin. Phương pháp Linearthinking hiệu quả ngay cả khi người đọc không hiểu hết từ vựng trong bài. Với kỹ năng nói, chúng ta luyện tập càng nhiều với người bản xứ thì càng tốt” - Thiện Minh bật mí.
Với vốn tiếng Anh phong phú và điểm IELTS tuyệt đối 9/9, Thiện Minh không khó để kiếm được nhiều công việc với mức lương ngàn đô la mỗi tháng ở nước ngoài nhưng chàng trai này vẫn quyết định trở về quê hương để sống gần gia đình. Hiện anh đang làm gia sư dạy tiếng Anh cho nhiều người.