Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, ngày 5/9, học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới 2023-2024 với sự kiện quan trọng là tổ chức lễ khai giảng.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết dường như ngày khai giảng bây giờ chỉ thực sự mang lại niềm vui, háo hức cho.... giáo viên và nhà trường.
Chị Lê Phương Hoa, phụ huynh có 2 con học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: "Ngày 2/9, cả nhà đang ở quê trong kỳ nghỉ lễ 2/9 thì tôi nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm là 7h sáng ngày 4/9, tất cả học sinh đều phải đến trường tham dự buổi tổng duyệt khai giảng. Đọc xong tin nhắn mà tôi tự dưng thấy hụt hẫng".
Chị Hoa lý giải, do chị phải làm thứ 7 nên phải làm hết ngày 1/9 mới được nghỉ. Gia đình hành quân trong đêm vượt gần 200km để về quê chơi với ông bà, họ hàng và dự kiến ngày 4/9 mới quay lại Hà Nội. Theo lịch của nhà trường, gia đình chị Hoa chỉ ở quê đúng ngày 2/9 và ngày mùng 3 phải xếp hành lý lên đường ra để kịp cho con đi tổng duyệt vì có... đại biểu quan trọng.
Anh Nguyễn Minh Quân, phụ huynh quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho hay: "Tự dưng các thầy cô làm mất đi ngày 2/9 ý nghĩa. Trước khi nghỉ lễ, các cô dặn 4/9 lên trường tổng duyệt. Đang nghỉ lễ các cô nhắn tin bắt 100% học sinh đến trường tổng duyệt 2-3 tiếng xong rồi phụ huynh phải đón về.
Tổng duyệt mang lại lợi ích cho học sinh hay cho nhà trường? Tôi thấy các thầy cô chỉ muốn làm hình ảnh đẹp, chỉn chu mà không hiểu đến việc gây khó cho phụ huynh. Tôi nghĩ các thầy cô chỉ nên ghi các con thu xếp đến trường tham gia tổng duyệt thay vì yêu cầu 100% học sinh phải có mặt. Không phải ai cũng sắp xếp được khi các gia đình vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ"
Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, lễ khai giảng năm học mới là nghi thức trong giáo dục từ nhiều năm nay, đây là là một buổi lễ quan trọng đối với cả thầy và trò, đánh dấu thời điểm bắt đầu của một năm học mới.
Buổi lễ khai giảng thường có lãnh đạo địa phương, có thể có các cán bộ ngành đến tham dự để chung vui, chúc mừng cho thầy và trò.
Dù là quy mô, cách thức tổ chức có thể khác nhau nhưng đều hướng đến một mục tiêu là thực hiện theo những nghi thức, quy định chung của ngành, đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tạo ra cảm hứng cho thầy và trò để bắt đầu một năm học mới...
Lễ khai giảng có ý nghĩa là thể hiện sự trang trọng nhưng cũng gần gũi, vui tươi và mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho cả thầy và trò trước thềm năm học mới.
"Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương, một số cơ sở giáo dục lại quá đề cao vấn đề hình thức, ngoại giao, đối ngoại mà xem nhẹ cảm xúc của học sinh và phụ huynh. Việc chuẩn bị cho lễ khai giảng quá công phu, mất nhiều thời gian công sức, thậm chí tốn kém chi phí chỉ để khoa trương, để một số lãnh đạo nhà trường khoe công lao thành tích ...
Những buổi lễ khai giảng như thế khiến học sinh và phụ huynh mệt mỏi, ngán ngẩm và thấy phiền hà, không mang lại những giá trị tích cực, nhân văn trong hoạt động giáo dục", luật sư Cường chia sẻ.
Theo luật sư Cường, đối với Thủ đô Hà Nội, ngày 23/8/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hà Nội ban hành Công văn 3075/SGDĐT-VP về tổ chức Lễ Khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2023-2024.
Trong đó có yêu cầu: "Lễ Khai giảng cần được tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh".
Đây là chủ trương đúng đắn để ngăn chặn bệnh hình thức, tránh tốn kém lãng phí, mệt mỏi đối với học sinh và phụ huynh. Lễ khai giảng là một nghi thức để chào đón năm học mới nhưng đồng thời cũng là ngày hội đến trường, bởi vậy phải lấy học sinh làm trung tâm, phải tạo cho các em cảm hứng, niềm vui để chào đón năm học mới chứ không phải là những hình thức để phục vụ việc đón khách, tiếp khách.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo sau khai giảng, các trưởng cần duy trì nền nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần. Lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng... tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện hát Quốc ca trong không khí trang nghiêm, đúng lời, đúng giai điệu.
Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, điều kiện của đơn vị và đặc thủ riêng của từng cấp học, ngành học; các nhà trường, cơ sở giáo dục chủ động tổ chức các hoạt động sinh hoạt thiết thực, ý nghĩa, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Sở GDĐT cũng hướng dẫn về đồng phục cho học sinh năm học 2023-2024 tại Hà Nội như sau: Các trường thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên; theo đó, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng phục nhà trưởng phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được Hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận. Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.
Như vậy, theo luật sư Cường, căn cứ theo quy định trên thì việc tổ chức lễ khai giảng đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo ở địa phương phải tuân thủ ý kiến chỉ đạo của sở, ngành và thực hiện theo truyền thống giáo dục, hướng đến mục tiêu coi ngày khai giảng là ngày hội của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, thủ tục đơn giản, tiết kiệm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh chứ không phải là cái cớ để tạo ra hình ảnh hoành tráng để tiếp khách, phục vụ khách...
Nếu như trường nào yêu cầu học sinh đến tập quá nhiều lần hoặc trong thời gian nghỉ lễ gây ảnh hưởng tới học sinh và gia đình các em thì lãnh đạo ngành có thể xem xét nhắc nhở người đứng đầu trường, thậm chí là xử lý theo quy định của ngành.
Ngoài ra, luật sư Cường cho biết, các vị lãnh đạo, các vị khách quan trọng đến tham dự lễ khai giảng năm học mới của các cơ sở giáo dục cũng là để thực hiện mục đích chúc mừng, cổ vũ, động viên cho thầy và trò cố gắng trong một năm học tiếp theo chứ không phải đến để được phục vụ...
Chính vì vậy, nếu vì nhà trường có khách quan trọng mà học trò mất ngày nghỉ lễ, phụ huynh vất vả hơn thì điều này thực sự không đáng.
"Năm nay nhà nước cho phép người lao động, học sinh nghỉ 4 ngày nhân dịp Quốc khánh 2/9. Nhiều gia đình xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ nghỉ cho gia đình. Tuy nhiên, một số trường lại triệu tập học sinh đến để tập duyệt cho lễ khai giảng vào thời gian nghỉ lễ là không phù hợp.
Vấn đề này cần phải rút kinh nghiệm và xem xét lại khâu tổ chức của các cơ sở giáo dục này. Các vị lãnh đạo có mặt trong các buổi lễ như vậy cũng cần góp ý, nhắc nhở các cơ sở giáo dục để tránh bệnh hình thức, biến ngày khai giảng trở thành ám ảnh, áp lực đối với học sinh và phụ huynh", Luật sư Cường nói thêm.