Ngay sau mùa giải đầu tiên ở V.League, đội bóng đá Công an Hà Nội (CLB CAHN) đã giành chức vô địch. Người ta hay nhắc đến đội bóng tân binh của V.League này về tham vọng, thực lực, dàn cầu thủ được ví như là "giải ngân hà" với những Đoàn Văn Hậu, Quang Hải, Tuấn Tài, Filip Nguyễn … Nhưng với rất nhiều người, chỉ cái tên Đội bóng Công an Hà Nội thôi cũng thật đặc biệt, bởi vì nó đã từng là tượng đài của bóng đá Việt Nam.
Ngày 10/10/1956, Chủ tịch Trần Duy Hưng chủ trì lễ ra mắt đội bóng đá Công an Hà Nội tại nhà khách Ủy ban Hành chính thành phố. Ban đầu, đội Bóng đá CAHN do ông Lê Viễn, cán bộ Phòng Thể dục Thể thao Bộ Công an và ông Hoàng Nghĩa Đường, cựu võ sỹ quyền anh Vô địch Đông Dương, cán bộ phòng Tổ chức Sở Công an Hà Nội đồng phụ trách.
Lứa cầu thủ đầu tiên của đội bóng CAHN có nòng cốt là đội bóng đá Hoàng Diệu, đội bóng mạnh nhất Hà Nội bấy giờ, với các danh thủ như Bùi Nghẽn, Lưu Đình Tòng, Nguyễn Huy Luyến, Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn Thìn A, Bùi Hợi, Vũ Hợi, Tuất, Phú Tí, thủ môn Nghĩa, A Loóc … Đa số họ đã từng thi đấu cho đội Cảnh binh thời Pháp thuộc. Cùng với đó là sự bổ sung các chiến sĩ Công an và thanh niên Hà Nội. Giai đoạn đầu có các ông Phan Đức Âu, Nguyễn Mạnh Cường. Sau đó là Đài "gôn", Tô Hiền, Tô Giới Pháp, Xuân "gôn", Du "cò", Sơn "min", Đức "khựa", Độ "trây", Thọ "gáo", Thái "si", Thịnh "cơm", Hạc "phệ", Thành A, Ngọc "tráp", Dư "còng" …
Những năm 1960-1970, đội CAHN được bổ sung cầu thủ từ nhiều nguồn. Từ đào tạo có ông Tô Quang Nhạ, sau là đoàn trưởng Bóng đá CAHN. Từ Thanh niên Hà Nội chuyển sang có Quang B, Đặng "cóc", Hai "voi", Cường Học, Pháp "ngớ", Điệp "lùn", Chi "tơ" … Từ nước ngoài về có Thành C, Hiển "coóc". Từ Thể Công sang có Duy Lễ, Nghị "chớp". Từ Trường huấn luyện có Nghị "trâu" …
Hệ thống đào tạo của CAHN đã cho ra lò rất nhiều các danh thủ, các tuyển thủ quốc gia như Nhã "tròn", Văn Hùng, Tuấn Sơn, Thông "héo", Thọ "ô mai", Hòa C, Dũng "xoăn", Phi Hùng, Việt "hổ", Cường "kinh". Các lứa tiếp theo mà khán giả có thể được xem họ thi đấu qua truyền hình như Hương "cốm", Trọng Bắc, Xuân Hảo, Công "múa", Thắng "chip", Thành "gà tre", Minh Hiếu, Quang Minh, Trung Phong …
Sân Hàng Đẫy là sân nhà của đội bóng CAHN từ những năm xa xưa. Hẳn những người hâm mộ bóng đá Hà Nội xưa không quên không khí sôi động của những trận bóng trên sân bóng lịch sử này. Những trận derby kinh điển như CAHN gặp Thể Công, hay thế chân kiềng của bóng đá Miền Bắc CAHN - Thể Công - Tổng Cục Đường sắt… Ngày mà người ta sẵn sàng tháo đồng hồ đeo tay, thứ tài sản rất có giá trị, để đổi lấy 1 vé vào sân.
Không ai thống kê được trong lịch sử tồn tại của mình, đội bóng đá CAHN đã có bao nhiêu trận thắng. Nhưng có 1 trận thắng vẫn được hậu thế, những người yêu bóng đá đẹp nhắc đến, đó là trận thắng của CAHN trước đội bóng Công an Hải Phòng trên sân Lạch Tray. Trong loạt trận cuối của giải bóng đá Vô địch miền Bắc năm 1973. Khi đó CAHP dẫn đầu bảng, hơn Thể Công 1 điểm. Nếu CAHN thua, CAHP sẽ vô địch. Và ai cũng nghĩ điều đó sẽ xảy ra, vì họ là những người cùng ngành. Kết quả, CAHN đã thi đấu rất Fair Play và thắng CAHP với tỷ số 5 – 3, để kình địch của họ là Thể Công lên ngôi vô địch trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Đó quả thật là thứ bóng đá mơ ước.
Từ ngày thành lập, đội bóng đá CAHN đã có được các danh hiệu sau:
Ba lần vô địch miền Bắc (1957, 1962, 1964) Vô địch giải toàn quốc (1984); Vô dịch Cup Dunhill 1999; Cup Quốc gia 2001; hai lần Á quân toàn quốc (1980, 1999) Hai lần Á quân Cúp Quốc gia (1995, 2000); Hai lần giải Ba Vô địch quốc gia (1982, 1989) …
Và vào ngày 27/8/2023, CLB CAHN đã ghi thêm vào lịch sử chói lọi của mình dòng chữ: Vô địch Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Night Wolf 2023, như 1 lời tuyên bố: Chúng tôi đã trở lại.