Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vừa tổ chức thành công lớp học "The Summer School: Road Safety Management" (Trường học mùa hè: Quản lý an toàn đường bộ) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án ASIASAFE - Phát triển và nâng cao năng lực trong việc xây dựng chương trình Thạc sĩ An toàn giao thông tại các trường đại học châu Á, được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, tiến sĩ, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học Việt Nam, Ý, Malaysia và Indonesia trực tiếp học tập và hàng trăm chuyên gia, học viên tham gia trực tuyến.
Theo các chuyên gia, ba quốc gia Đông Nam Á là đối tác của dự án, gồm: Indonesia, Malaysia và Việt Nam, chỉ chiếm ít hơn 3% tổng lượng phương tiện giao thông toàn thế giới. Tuy nhiên, khoảng 12% tổng số ca tử vong đường bộ của thế giới lại xảy ra tại đây.
Hiện nay, tai nạn giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân chính gây thương vong ở ba nước này, với phần lớn nạn nhân ở độ tuổi từ 15 đến 49, tức độ tuổi lao động quan trọng nhất của nền kinh tế.
Tỷ lệ xe hai, ba bánh ở khu vực rất cao so với trung bình của thế giới: Việt Nam 93%, Malaysia 60% và Indonesia 55%. Trong khi đó, hai quốc gia đối tác đến từ châu Âu (Bồ Đào Nha và Italy) cũng có tỷ lệ xe máy khá cao (khoảng 20%) nhưng tỷ lệ tử vong do giao thông lại thấp hơn đáng kể.
Tại lớp học "The Summer School: Road Safety Management", sinh viên các nước đã trao đổi những giải pháp tối ưu như ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý an toàn giao thông, mô hình xe buýt nhanh (BRT)...
Đồng thời, học viên cũng tham quan Trung tâm Quản lý Điều hành Giao thông Đô thị TP.HCM và những nút giao thông quan trọng và đông đúc (quận 4, quận 12 và TP.Thủ Đức). Nhờ đó, sinh viên quốc tế có thể hiểu hơn về tình trạng giao thông tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tri Hapsari Mulyakusuma - nữ kỹ sư thuộc Trường Đại học Gadjah Mada chia sẻ, đây là lần đầu tiên bà đến Việt Nam.
"Đường xá ở TP.HCM tuy khá giống đường sá ở Indonesia nhưng tôi có thêm nhiều hiểu biết mới. Các điểm khác biệt này sẽ cho tôi gợi ý để cải thiện tình hình ở nước tôi", bà Tri Hapsari Mulyakusuma nói thêm.