Dân Việt

Thế chiến II: Liên Xô mất 27 triệu người

TK 05/09/2023 21:30 GMT+7
75 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, đất nước Nga (thành viên lớn nhất của Liên Xô, được coi là nước kế thừa Liên Xô hiện nay) vẫn chưa hồi phục xét từ góc độ dân số.

Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít, Liên Xô đã bị tổn thất sinh mạng vô cùng lớn. Nhưng Liên Xô không đánh giá đúng được ngay mức độ tổn thất đó. Con số ước lượng về số công dân Liên Xô thiệt mạng gia tăng tỷ lệ thuận với thời gian, từ 7 triệu người dưới thời lãnh tụ Stalin tới 26,7 triệu người dưới thời Tổng thống Nga Putin và con số này vẫn được tính toán tiếp.

Thế chiến II: Liên Xô mất 27 triệu người - Ảnh 1.

Liên Xô đứng trước bài toán lớn phải bù lại số nhân lực đã mất trên chiến trường hoặc sau chiến tuyến địch.

Thực tế Liên Xô đã không có câu trả lời hiệu quả cho vấn đề này. Thậm chí 75 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, đất nước Nga (thành viên lớn nhất của Liên Xô, được coi là nước kế thừa Liên Xô hiện nay) vẫn chưa hồi phục xét từ góc độ dân số.

Đất nước có đa số dân là phụ nữ

Tình hình khi đó rất bi đát cho Liên Xô. Số lượng người tử vong do chiến tranh là khác biệt giữa các nhóm tuổi. Những người chết chủ yếu trong độ tuổi tòng quân (17 đến 55 tuổi), đây cũng được coi là độ tuổi sinh sản. Do chiến tranh, số lượng nam giới lại bị suy giảm mạnh hơn, tạo ra sự mất cân bằng giới tính rất nghiêm trọng.

Ở nước Nga Xô viết, tình trạng mất cân bằng này nghiêm trọng hơn so với ở Ukraina Xô viết hay Belarus Xô viết.

Theo một cuộc điều tra dân số năm 1959, số phụ nữ Liên Xô nhiều hơn nam giới tới 18,43 triệu người và số ca sinh của họ giảm một nửa.

Việc nhập cư không phải là giải pháp cho vấn đề này vì với tình cảnh của Liên Xô sau chiến tranh, ít người nơi khác mơ tới việc di cư sang Liên Xô. Đã vậy lại có những quy định chặt về việc nhập cư vào Liên Xô.

Liên Xô đã xử lý vấn đề này như thế nào?

Ở Liên Xô hậu Thế chiến, tình trạng mất cân bằng giới giảm dần, và vào cuối thập niên 1980, mức tăng dân số đã đạt tới tỷ lệ khá ổn. Chẳng hạn vào giai đoạn này, tỷ lệ sinh thêm em bé là ở mức 9,8%,

Có nhiều nhân tố tác động vào thực trạng lên xuống của dân số Liên Xô.

Thời Stalin, ông này ra sắc lệnh cấm nạo thai. Hồi đó còn có sắc lệnh của Bộ trưởng Y tế Narkomzdrav về việc rút các sản phẩm tránh thai khỏi các cửa hàng.

Còn phụ nữ sinh vào thập niên 1950 và 1960 được hưởng chính sách khuyến khích sinh đẻ, tạo ra mức tăng dân số khá vào thập niên 1980. Đến năm 2010, khoảng cách giữa số nam và số nữ đã giảm xuống chỉ còn 8 triệu người.

Lại đợt sụt giảm mới

Năm 2017, tỷ lệ sinh ở Nga giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ và tình hình vẫn chưa cải thiện nhiều kể từ đó.

Nhằm khắc phục tình trạng này, nhà nước Nga đã phát động một chương trình quốc gia đặc biệt mang tên “Nhân khẩu”, theo kế hoach sẽ kéo dài tới năm 2024 với ngân sách trên 40 tỷ USD. Chương trình này là sự tiếp nối trực tiếp chương trình hỗ trợ quốc gia của thời kỳ vào giữa thập niên 2000 và động lực chính của nó vẫn là việc thanh toán trợ cấp cho gia đình sinh nhiều trẻ em.

Nhưng giới nhân khẩu học Nga vẫn bi quan và dự đoán sẽ có đợt sụt giảm dân số nữa.

Một số người tin rằng việc chi tiền cho các dự án này phải tăng lên ít nhất 4 lần, tới mức 2% GDP.

Tổng giám đốc của một viện nghiên cứu Nga cho biết, con số của các nước châu Âu là 3-4% GDP, ở Pháp con số này còn lên tới mức 5-6% GDP.

Như vậy Nga sẽ còn phải nỗ lực nhiều thì mới đảo lộn được xu thế giảm dân số (hoặc tăng chậm dân số) hiện nay.