Theo một nghiên cứu mới, loài người cổ đại gần như bị xóa sổ khoảng 900.000 năm trước khi dân số toàn cầu giảm xuống còn khoảng 1.280 cá thể có khả năng sinh sản. Hơn nữa, dân số của tổ tiên loài người nguyên thủy vẫn ở mức "lác đác" như vậy trong suốt khoảng 117.000 năm.
Phân tích được công bố trên tạp chí Science, dựa trên một mô hình tính toán trên máy tính mới được phát triển bởi một nhóm các nhà khoa học có trụ sở tại Trung Quốc, Ý và Hoa Kỳ.
Phương pháp thống kê sử dụng thông tin di truyền từ 3.154 bộ gen của con người ngày nay.
Theo nghiên cứu, khoảng 98,7% tổ tiên loài người đã bị "mất". Các nhà nghiên cứu lập luận rằng sự sụt giảm dân số có liên quan đến khoảng trống trong hồ sơ hóa thạch, có thể dẫn đến sự xuất hiện của một loài Tông Người mới vốn là tổ tiên chung của loài người hiện đại.
"Phát hiện mới này mở ra một lĩnh vực mới trong quá trình tiến hóa của loài người vì nó gợi lên nhiều câu hỏi, chẳng hạn như nơi những các cá nhân này sống, cách họ vượt qua những biến đổi khí hậu thảm khốc và liệu chọn lọc tự nhiên trong thời kỳ "thắt cổ chai" có đẩy nhanh quá trình tiến hóa của não người hay không", Tác giả cấp cao Yi-Hsuan Pan, một nhà nghiên cứu gen tiến hóa và chức năng tại Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Nhóm nghiên cứu đề xuất rằng nút thắt dân số trùng hợp với những thay đổi mạnh mẽ của khí hậu trong thời kỳ được gọi là quá trình chuyển đổi giữa thế Pleistocen (thế Canh Tân). Thời kỳ băng hà dài và dữ dội hơn, dẫn đến nhiệt độ giảm và điều kiện khí hậu rất khô.
Hơn nữa, các nhà khoa học cho rằng việc kiểm soát lửa cũng như việc biến đổi khí hậu theo hướng phù hợp hơn với cuộc sống con người có thể góp phần làm tăng dân số nhanh chóng sau này vào khoảng 813.000 năm trước.
Các tác giả lưu ý rằng bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng lửa để nấu thức ăn có từ 780.000 năm trước ở khu vực ngày nay là Israel.
Trong khi DNA cổ đại đã cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng ta về các quần thể trong quá khứ, DNA cổ xưa nhất của loài người có niên đại khoảng 400.000 năm trước.
Máy tính sử dụng lượng thông tin khổng lồ có trong bộ gen của con người hiện đại về sự biến đổi di truyền theo thời gian để suy ra quy mô quần thể tại các điểm cụ thể trong quá khứ. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng trình tự di truyền của 10 quần thể châu Phi và 40 quần thể không phải châu Phi.
Trong một bài bình luận về phân tích được công bố trên cùng tạp chí, Nick Ashton, người phụ trách các bộ sưu tập Đồ đá cũ tại Bảo tàng Anh, và Chris Stringer, trưởng nhóm nghiên cứu về quá trình tiến hóa của loài người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, đã mô tả nghiên cứu này là "khiêu khích".
Hai nhà nghiên cứu, những người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nó tập trung vào "sự dễ bị tổn thương của các quần thể người sơ khai". Tuy nhiên, Ashton và Stringer nói rằng các mẫu hóa thạch, tuy thưa thớt, nhưng đã cho thấy loài người sơ khai sống trong và ngoài Châu Phi khoảng 813.000 đến 930.000 năm trước, trong thời kỳ dân số được cho là suy giảm, với các hóa thạch từ thời kỳ đó được tìm thấy ở khu vực ngày nay là Trung Quốc, Kenya, Ethiopia, Ý, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.