Các bệnh nhân đều là ngư dân Bình Thuận trên tàu cá BTH 97887TS, hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa. Cả ba người đã cùng lặn sâu khoảng 10-20m trong khoảng 2h30, để khai thác thủy sản. Sau khi lên tàu khoảng 1 tiếng đồng hồ, cả 3 người xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau mỏi, tê bì tứ chi, khó thở, được đưa vào bệnh xá đảo Sinh Tồn vào lúc 5h30 ngày 5/9.
Kíp quân y tại đảo Sinh Tồn nhanh chóng kiểm soát bước đầu tình trạng của 3 bệnh nhân, đồng thời hội chẩn Telemedicine với Viện Y học Hải quân và Bệnh viện Quân y 175.
Qua hội chẩn xác định 2 bệnh nhân bị giảm áp mức độ vừa, một người có tiến triển nặng bệnh giảm áp giờ thứ 22, do lặn sâu, đã có biến chứng suy hô hấp, có nguy cơ tổn thương tủy, thần kinh trung ương, đe dọa tính mạng, vượt quá khả năng điều trị của quân y đảo Sinh Tồn, đề nghị vận chuyển cấp cứu bằng trực thăng về đất liền.
Thượng uý Tạ Văn Bạch, tổ trưởng tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175, cho biết đây là lần đầu tiên cấp cứu, vận chuyển cùng lúc 3 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp, đặc biệt có bệnh nhân mức độ nặng nặng, tổn thương nhiều cơ quan như phổi (bệnh nhân có suy hô hấp), cơ quan tiêu hóa.
Bệnh nhân còn có nền tiểu đường type 2 với mức đo đường huyết mao mạch rất cao: 28mmol/L, kíp cấp cứu phải tiến hành đảm bảo hô hấp, bù dịch, bù điện giải và insulin.
"Trong suốt chuyến bay, tổ cấp cứu đường không luôn hiệp đồng cùng tổ bay đảm bảo trần bay an toàn cho bệnh nhân, tránh bay quá cao vì lên cao áp suất tiếp tục giảm, làm nặng thêm bệnh giảm áp và theo sát diễn biến của những bệnh nhân này", thượng úy Tạ Văn Bạch chia sẻ.
Chuyến bay cấp cứu đã hạ cánh an toàn tại sân đỗ tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175, đưa 3 bệnh nhân vào khoa Cấp cứu lưu để làm các xét nghiệm và điều trị chuyên sâu.