Nếu vô phúc kém phận mang danh mất chồng, phụ nữ xưa bỗng dưng trở thành tiêu điểm của thị phi, rồi vô hình chung, bị khép chặt cánh cửa hòa nhập với cuộc sống bên ngoài. Cánh mày râu dù khát khao, thèm muốn cỡ nào, thì dám chắc ít kẻ cả gan "phá rào" phạm luật.
Xuất phát từ điểm ấy, quả phụ tái giá càng trở thành chuyện tày đình trong xã hội nam quyền tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp “đi chệch quỹ đạo”, đàn bà góa “đắt chồng” lại khá thịnh hành vào khoảng hai ngàn năm trước - thời nhà Hán. Vì sao có chuyện ngược đời như vậy?
Qua thăng trầm lịch sử, văn hóa Trung Quốc không hề mang tính cố định mà thay đổi có chọn lọc. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, hình thái văn hóa cũng mang phong cách đặc trưng. Thời Hán, địa vị xã hội, vai trò và quyền lợi của người phụ nữ có những điểm khác biệt so với nhiều triều đại phong kiến khác. Nói đúng hơn, phận liễu yếu đào tơ đã có tiếng nhất định trong xã hội.
Bàn về địa vị của phụ nữ thời bấy giờ, không thể không nhắc tới câu chuyện bà hoàng Lữ Hậu vốn đa mưu, hành sự quyết đoán. Sau khi giành được thiên hạ, Lưu Bang đã được độc phụ trợ giúp đắc lực để trừ khử công thần. Trong đó, Lữ Hậu trực tiếp tham gia vào hai vụ giết hại Bành Việt và Hàn Tín.
Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ qua đời, Lưu Doanh - con ruột của Lữ Hậu nối ngôi, lấy hiệu là Hán Huệ đế. Kể từ ấy, bà ta mặc sức thao túng chính sự. Tuy Huệ đế làm vua, nhưng thực chất chỉ như bù nhìn, không nắm thực quyền. Mọi chuyện lớn nhỏ trong triều đều do mẹ điều binh khiển tướng. Tới năm 188 TCN, Huệ đế vì buồn rầu, phẫn uất trước thói độc ác vô lương, lẫn sự chuyên quyền hống hách của mẹ, đã sinh bệnh, mất khi mới 22 tuổi.
Theo sử sách, vì hoàng hậu Trương Yên lấy Huệ đế, không con nối dõi, Lữ Hậu bèn âm thầm đem một bé trai vào cung, nói dối rằng con dâu có thai và sinh ra đứa trẻ này. Lưu Doanh qua đời, đứa trẻ lên nối ngôi, là Thiếu đế. Về sau, vì ủ mưu giành ngôi cho họ nhà mình, độc phụ này thẳng tay giết hại người họ Lưu, lập họ Lã làm vương. Ngay cả Thiếu đế cũng bị bà ta phế truất rồi giết đi, lập một người con khác của Huệ đế là Thường Sơn vương Lưu Nghĩa làm vua. Chuyện triều chính vẫn do một tay bà hoàng cay nghiệt này cai quản.
Tuy nhiên, sử liệu Trung Quốc vẫn ghi nhận: Nhà Hán thời Lữ Hậu nhiếp chính, tuy triều đình lắm chuyện rối ren, các hoàng tử bị giết hại oan ức, nhưng đời sống xã hội không xáo trộn, thiên hạ khá thanh bình, dân chúng no đủ, ít hứng chịu hình phạt hà khắc của triều đình.
Xét ở mặt khác, sự chuyên quyền của Lữ Hậu đã góp phần nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Ngay trong triều Hán, những người đàn bà tiếng tăm có cơ hội được phong hầu, phong ấp (được vua ban thưởng một vùng đất nào đó) và có tước vị đường hoàng. Ví như Hán Cao Tổ Lưu Bang từng phong Lữ Hậu làm chính hậu, phong Tiêu Hà phu nhân là Toản hầu, Lữ Tu – vợ Phàn Khoái là Lâm Quang hầu.
Chính hiện tượng ấy cũng khiến địa vị của phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và cuộc sống gia đình được tôn lên khá cao trong thời Hán. Họ có thể làm những điều tưởng chừng không thể trong xã hội phong kiến. Điển hình là chuyện công chúa đường đường nuôi dưỡng mỹ nam cũng thành điều hiển nhiên, không trái với đạo trời, luật nước. Quán Đào công chúa Lưu Phiêu - vừa là bác vừa là mẹ vợ của Hán Vũ đế - từng có mối tình tai tiếng với đứa con nuôi kiêm người tình bé nhỏ Đổng Yên.
Sau khi Trần Ngọ - chồng của Lưu Phiêu qua đời, công chúa này dần bị thất sủng. Sống trong nỗi cô quạnh, đơn côi, bà ta dồn hết tình thương cho người con nuôi họ Đổng. Thậm chí, Quán Đào công chúa còn thẳng thừng tuyên bố: “Chỉ cần Đổng Yên muốn, thì trong một ngày không vượt quá 100 cân vàng, một triệu quan tiền, một ngàn xếp lụa, hãy cứ thuận theo ý cậu ta, không cần bẩm báo với ta làm gì”. Ngay cả Hán Vũ Đế còn cho phép mẹ vợ mình tái giá với mỹ nam, rồi kết thân với Đổng Yên để vui vầy, hưởng lạc.
Vì quả phụ Lưu Phiêu ngang nhiên nuôi dưỡng trai đẹp, nên đám đàn góa bụa trong thiên hạ ngang nhiên tái giá là lẽ thường tình. Bình Dương công chúa - chị gái của Hán Vũ đế kết hôn với Tào Thì. Tới năm 131 TCN, phu quân qua đời, vị công chúa này tái giá với Đại tướng quân Vệ Thanh, em trai của Vệ Tử Phu. Tiếp đến, Kính Vũ công chúa - con gái của Hán Tuyên đế có chồng đầu là Phú Bình hầu Trương Lâm, về sau kết tóc se duyên cùng Lâm Bình hầu Triệu Khâm. Sau khi Triệu Khâm qua đời, nàng ta lại kết hôn cùng Cao Dương hầu Tiết Tuyên. Hay như hoàng hậu của Hán Hoàn đế Lưu Chí cũng có mẹ ruột lấy Đặng Hương, rồi tái giá cùng Lương Kỷ…
Theo Hậu Hán thư Tống Hoằng truyện, vào thời Hán Quang Vũ đế Lưu Tú, công chúa Hồ Dương vừa lâm cảnh góa bụa, nhà vua đã muốn làm mối cho chị mình với Tống Hoằng, quan Đại tư không, người đất Tràng An. Hồ Dương công chúa cũng có ý ái mộ tài đức và dáng dấp tướng mạo của viên quan này. Biết vậy, Lưu Tú bèn cho triệu Tống Hoằng vào chầu, rồi gạ hỏi: “Có câu: Giàu đổi bạn, sang đổi vợ, khanh thấy thế nào?”. Nghe xong, Tống Hoằng bèn thưa: “Thần nghe nói, người vợ từ thuở khốn khó không nên bỏ, bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên”.
Hán Quang Vũ đế và công chúa Hồ Dương nghe vậy, cảm phục muôn phần khí tiết và lòng thủy chung sắt son của họ Tống, đành lẳng lặng từ bỏ ý định kia. Tuy bị khước từ, nhưng sự chủ động và tính cách bạo dạn của công chúa Hồ Dương đã phản ánh chân thực phong thái sống lẫn khát khao theo đuổi hạnh phúc của quả phụ bấy giờ. Và điều ấy minh chứng một điều: Quả phụ thời Hán tái giá không phải là chuyện “kinh thiên động địa” như người đời vẫn nghĩ, mà là chuyện thường như cơm bữa trong chốn hoàng cung.