Chính phủ vừa có báo cáo trình Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách BHXH. Thông qua đó, báo cáo cũng đưa ra nhiều kiến nghị, bổ sung để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách BHXH.
Theo báo cáo, năm 2022 có hơn 1,14 triệu người hưởng chế độ BHXH, giảm 2,68% (giảm hơn 31,4 nghìn người) so với năm 2021. Số chi là hơn 46,87 nghìn tỷ đồng, tăng 3,52% (tăng gần 1,6 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.
Cụ thể năm 2022 BHXH đã chi trả quỹ hưu trí và tử tuất cho hơn 2,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, tăng 3,08% so với năm 2021. Số tiền chi trả trong năm là hơn 141 nghìn tỷ đồng, tăng 10,72% so với năm 2021. Số tiền đóng BHYT cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng là hơn 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,24% so với năm 2021. Kinh phi chi trả trợ cấp một lần là hơn 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,25% so với năm 2021.
Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 23 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Năm 2022, dù tình hình kinh tế đất nước có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.
Kết quả thực hiện BHXH trong năm 2022 cho thấy nhiều quỹ đang kết dư. Quỹ ốm đau và thai sản kết dư hơn 36,2 nghìn tỷ đồng. số kết dư Quỹ ốm đau và thai sản chuyển sang năm 2023 ước tính là hơn 26,7 nghìn tỷ đồng.
Số phát sinh tăng của Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong năm là hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, ước kết dư Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chuyển sang năm 2023 là hơn 62,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 quỹ BHTN cũng kết dư là hơn 59,3 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến tổng số kết dư đầu tư quỹ đến ngày 31/12/2022 đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng (tăng 15,14% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền lãi thu được trong năm 2022 dự kiến là 42,7 nghìn tỷ đồng. Lãi suất bình quân năm 2022 đạt 4,19%, thấp hơn lãi suất bình quân của năm 2021 (4,39%).
Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm.
Mới đây, theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP, tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP (từ ngày 1/1/2022).
Bên cạnh đó, nhà nước cũng tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/1/2022.
Sau khi điều chỉnh, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm.
Cụ thể, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022, mức hưởng lương hưu trung bình khoảng 5,4 triệu đồng/tháng cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng). Người có mức lương hưu cao nhất Việt Nam là 140 triệu đồng/tháng.
Như vậy, sau điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp xã hội đã tăng lên. Khoản chi từ quỹ BHXH cho lương hưu, trợ cấp vì thế cũng tăng theo. Tuy nhiên, mức này vẫn bị cho là thấp, nhiều lao động kiến nghị về lâu dài cần cải cách lương hưu nhằm nâng cao đời sống cho người về hưu.