Hai ngân hàng Vietcombank và BIDV đã triển khai chính sách cho vay để trả nợ tại ngân hàng khác, với lãi suất cho vay từ 6%/năm đối với vay ngắn hạn.
Trong đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, với lãi suất từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Sau đó, Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Còn tại BIDV, đối với khoản vay trung dài hạn, nhà băng áp dụng lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm. Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác), với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc còn lại, và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo phương án vay tại ngân hàng khác.
Khách hàng có thể dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại tổ chức tín dụng khác hoặc tiền gửi, bất động sản của khách hàng hoặc người thân, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu.
Sự mở màn của 2 "ông lớn" NHTM trên có thể là khởi đầu của một "làn sóng" chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng có lãi suất cao sang ngân hàng có lãi suất thấp hơn, và nhiều ưu đãi hơn. Bởi trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách vay phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.
Thực tế theo khảo sát của Dân Việt, về cơ bản người vay sẽ không mất phí cho ngân hàng mới, nhưng sẽ phải mất phí trả nợ trước hạn theo quy định của Ngân hàng đang có khoản vay cũ, gồm chi phí phạt trả lãi vay trước hạn, hiện ở mức 1-3%, cộng với hàng loạt vấn đề liên quan tới tài sản đảm bảo… Đặc biệt, phía ngân hàng mới cũng vẫn thẩm định, đánh giá khoản vay mới theo thủ tục, quy định thông thường, chứ không mặc nhiên chấp nhận cho khách hàng "đảo nợ".
Nhưng cái lợi lớn nhất với khách hàng khi dịch chuyển khoản vay, là được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Tuy vậy, ở mỗi ngân hàng sẽ có một khẩu vị rủi ro khác nhau, nên định giá khoản vay sẽ rất khác nhau.
Vì vậy, một số người muốn vay nhưng vẫn trong tâm trạng chờ đợi, cân nhắc có nên "đảo nợ" lúc này không.
Anh Nguyễn Tuấn Quang (Quận 10 TP.HCM), người đang có khoản vay hơn 1 tỷ đồng để mua nhà tại một NHTM, cho hay ngoài lãi suất, vấn đề anh quan tâm là thủ tục chuyển đổi có thuận tiện hay không?
"Quy định mới này rất là hay. Tôi đang chờ xem còn ngân hàng nào áp dụng không để xem xét mức lãi suất hợp lý, nếu thực sự nó thấp hơn từ 2-3% so với mức cũ thì vay, còn nếu chỉ ít thôi mà thủ tục phức tạp, chi phí phạt cao thì tôi sẽ không đảo nợ", anh Quang cho biết.
Giải pháp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay?
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định quy định cho khách hàng vay để trả nợ cho ngân hàng khác là chính sách rất kịp thời, kịp lúc của các NHTM dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Bởi nguyên nhân cho việc "đảo nợ" này là đa phần các khách hàng vay hiện hữu chưa được giảm lãi suất, có thể đến từ do chế, do quy trình của các ngân hàng đang cho vay hiện hữu chưa thể xử lý liền các hồ sơ giảm lãi suất vay, vì còn liên quan đến hợp đồng, khế ước vay.
"Ví dụ theo khế ước vay quy định thời gian 1 năm, hoặc sau 6 tháng mới điều chỉnh lãi vay. Hiện nay thời gian chưa tới thì ngân hàng không điều chỉnh", ông Phương cho rằng có thể do nguyên nhân này dẫn đến các NHTM chưa thể giảm lãi suất cho khách hàng vay.
Và điều này không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như hướng dẫn của NHNN trong việc hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất cho vay.
"Cho khách hàng vay để trả nợ cho ngân hàng khác đòi hỏi quy trình thủ tục mới, do điều này mới bắt đầu nên cũng cần thời gian xem xét thêm hướng các ngân hàng triển khai thế nào, vì chưa có trường hợp tiền lệ.
Nhưng nhìn chung giải pháp này là tốt và hữu ích", ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam.
Cũng theo Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, giải pháp cho vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác là giải pháp mang tính kỹ thuật, để "các ngân hàng cho vay mới". Thực sự mà nói giống như là "đảo nợ" các khoản vay cũ.
"Với khế ước mới, khách hàng có thể được vay với lãi suất thấp hơn, và thực sự đây là giải pháp rất hiệu quả ở thời điểm hiện tại", ông Phương nói.
Ông Phương cũng cho rằng mỗi ngân hàng sẽ có mỗi tiêu chí, yêu cầu khách hàng vay của mình phải đáp ứng khác nhau, nhưng về cơ bản các tiêu chí sẽ giống nhau đến 80%.
20% còn lại theo đặc trưng, đặc thù của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, với chủ trương cho vay để đảo nợ thì các ngân hàng sẽ linh hoạt trong vấn đề thủ tục.
"Ví dụ như làm sao để rút chuyển giao hồ sơ từ ngân hàng A sang ngân hàng B (từ cũ qua mới) thì các ngân hàng sẽ có quy trình mới để làm điều này. Vì về lý thuyết khách hàng đang vay nợ cũ, đâu có tiền mới để tất toán và vay lại khoản mới, nên hồ sơ sẽ không rút ra được để vay mới.
Cho nên, khả năng các ngân hàng áp dụng chính sách này sẽ có cơ chế làm việc 3 bên (ngân hàng A, B và khách hàng) để đảm bảo cam kết thanh toán hộ cho khách hàng. Và ngân hàng cũ sau đó sẽ chuyển hồ sơ khách hàng cho ngân hàng mới", ông Phương nói thêm.