Dân Việt

TP.HCM: Thu nhập thấp, thợ bỏ nghề làm mành trúc

An Hải 10/09/2023 17:11 GMT+7
Hiện nay, tại làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) có khoảng 110/11.607 hộ trên địa bàn làm gia công sản phẩm mành trúc.

Trên địa bàn huyện Củ Chi có 3 làng nghề nổi tiếng, gồm: Làng nghề đan đát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông và làng nghề mành trúc Tân Thông Hội.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, trong số đó, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông là làng nghề có sự phát triển ổn định và nhiều tiềm năng nhất. Riêng làng nghề mành trúc Tân Thông Hội hiện nay còn ít người làm, năng suất không còn như trước kia.

TP.HCM: Thu nhập thấp, thợ bỏ nghề làm mành trúc - Ảnh 1.

Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội hiện còn rất ít người theo nghề. Ảnh: Quang Sung

Nghề làm mành trúc trên địa bàn xã Tân Thông Hội hiện nay chủ yếu gia công cho Công ty TNHH MTV Thủ công Mỹ nghệ Thanh Trúc (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi).

Hiện, có 3 hộ làm đầu mối thu gom và phân phối nguyên liệu cho làng nghề làm gia công sản phẩm từ mành trúc (xỏ trúc). Lao động tham gia chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, nhàn rỗi, kết hợp công việc nội trợ với việc xỏ trúc.

Hiện nay, sản phẩm mành trúc Tân Thông Hội được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Úc, Canada. Số lao động tham gia thường xuyên trên 440 lao động; thu nhập bình quân 2.000.000 đồng/người/tháng.

Anh Diệp Thanh Văn, một người thợ của làng nghề nhớ lại, thời hoàng kim của ngành này là vào những năm 1992, 1993. Mành trúc lúc ấy xuất khẩu đi các nước Đông Âu rất nhiều. Thời ấy, một ngày công của người thợ làm mành trúc được trả 300.000 đồng, bằng một tháng lương của công nhân một xưởng may.

"Nhưng giờ đây, nghề mành trúc chẳng còn thịnh vượng như xưa, đồng công nhật teo tóp. Người thợ chật vật sống với nghề", anh Văn than thở.

Chính vì sự thiếu ổn định của nghề làm mành trúc mà nhiều người đã bỏ nghề. Có nhiều gia đình trước đây cả vợ lẫn chồng cùng làm thì giờ chỉ còn một người làm còn người kia đi làm công nhân hoặc buôn bán kiếm sống.

Chưa kể, nghề làm mành trúc lấm lem sơn, khó làm giàu nên giới trẻ ở Củ Chi ít hứng thú. Họ thà làm công nhân còn hơn theo nghề truyền thống này của cha ông. "Tôi hay nói đùa, thợ sơn mành trúc giờ đây là "động vật quý hiếm", bởi lâu nay chưa cho ra lò một người thợ nào giỏi nghề", anh Văn thổ lộ.

Bên cạnh khó khăn về nguồn lao động, ngành mành trúc ở Củ Chi lại thêm chật vật ở khâu tìm nguyên liệu là cây trúc. Sản lượng trúc cung cấp cho nghề làm mành trúc càng ngày ít đi, người bán lại đòi giá thành cao.

Lý giải về việc làng nghề mành trúc Tân Thông Hội không còn phát triển như trước, UBND huyện Củ Chi cho biết, do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã ngày càng bị thu hẹp, người dân không chủ động được nguồn nguyên liệu để làm mành trúc.

Bên cạnh đó, trồng tre, trúc không mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân đã phá bỏ để trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Một số hộ gia đình dần chuyển sang nghề khác không còn làm mành trúc do thu nhập thấp. Sản phẩm chủ yếu làm gia công nên công sức, thời gian bỏ ra nhiều nhưng trả công thấp; từ đó công việc này chỉ dành cho đối tượng lao động nhàn rỗi, người lớn tuổi nên năng suất tạo ra sản phẩm không cao.

Trong danh sách các ngành nghề nông thôn được TP.HCM đưa vào diện bảo tồn và phát triển giai đoạn 2022-2025 có ngành sản xuất mành trúc ở xã Tân Thông Hội.

Thế nhưng, hiện nay công tác bảo tồn nghề này đang gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn trên cũng là lý do khiến làng nghề mành trúc Tân Thông Hội chưa đáp ứng được các tiêu chí để công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống theo Nghị định 52 của Chính phủ.