Dân Việt

Trồng loại cây mỗi nơi gọi tên một kiểu, nông dân một xã của tỉnh Long An đổi đời

Bùi Tùng - Hoàng Tuân 10/09/2023 17:32 GMT+7
Từ khi thực hiện chuyển đổi cây trồng, vùng chuyên canh khóm tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An không ngừng mở rộng diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giúp nhiều nông dân đổi đời, vươn lên trong cuộc sống.

Trước đây, nông dân xã Tân Tây chủ yếu gắn bó với cây tràm, khoai mỡ, cây lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Học hỏi kinh nghiệm từ người dân vùng giáp ranh tỉnh Tiền Giang, nông dân trong xã mạnh dạn chuyển sang trồng khóm và có được “trái ngọt”.

Ông Huỳnh Văn Minh (ấp 5, xã Tân Tây) chia sẻ: “Lúc trước, gia đình tôi trồng khoai mỡ nhưng hiệu quả không cao, sau đó chuyển sang trồng khóm được hơn 5 năm. Cây khóm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tương đối ổn định. Hiện tại, gia đình tôi trồng khoảng 2ha khóm theo hình thức cuốn chiếu. Bình quân mỗi tháng, tôi thu hoạch khóm 1 lần, mỗi lần 3-4 tấn, lợi nhuận khoảng 15-20 triệu đồng/ha”.

Trồng loại cây mỗi nơi gọi tên một kiểu, nông dân một xã của tỉnh Long An đổi đời - Ảnh 1.

Vùng chuyên canh khóm xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, Long An hiện có diện tích trên 400ha và tiếp tục được mở rộng. Ảnh: Báo Long An.

Ông Trần Hùng Cường (ấp 5, xã Tân Tây) cho biết: “Trồng khóm tốn nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa, cây khoai. Cây khóm chịu hạn, phèn tốt, phù hợp với vùng đất này. Cây khóm được trồng quanh năm, 1ha khóm mỗi năm thu hoạch được khoảng 25-30 tấn trái, hiện nay giá trên 6.000 đồng/kg, có lúc lên đến 10.000 đồng/kg”.

Cây khóm đã và đang mang đến tín hiệu tích cực cho vùng đất phèn Tân Tây, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. 

Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Phạm Thị Mỹ Phụng thông tin: Khóm là một trong những cây trồng chủ lực đã gắn bó với nông dân Tân Tây từ lâu. Trải qua bao thăng trầm của thị trường nhưng cây khóm vẫn có hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có trên 400ha khóm và đều nằm trong khu vực đê bao, có trạm bơm điện phục vụ sản xuất. 

Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp ngành Nông nghiệp huyện tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện để người dân yên tâm phát triển vùng chuyên canh khóm.

Cây khóm có nhiều tên gọi khác nhau (tùy vùng miền) như: dứa, thơm, ba la. Quả dứa có hàm lượng axit hữu cơ cao (axit malic và axit xitric). Dứa là nguồn cung cấp mangan dồi dào cũng như có hàm lượng Vitamin C và Vitamin B1 khá cao