Với mô hình nuôi chim bồ câu hiệu quả, chị Nguyễn Thị Phương ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH. Chị Phương cho biết, từ năm 2018 chị bắt đầu khởi nghiệp nuôi chim câu với quy mô 30 đôi ban đầu. Thấy mô hình nuôi chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, chị mạnh dạn vay thêm nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh để mở rộng quy mô chuồng trại, mua sắm trang thiết bị phục vụ quá trình nuôi.
Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi chim bồ câu, mô hình của chị ngày càng phát triển. Từ 30 cặp chim bồ câu bố mẹ ban đầu, đến nay, chị Phương đã xây dựng được 5 chuồng nuôi chim bồ câu với tổng đàn trên 600 con. Điều đáng nói là chị Phương chỉ mất tiền mua con giống ban đầu còn lại chị tự tìm hiểu và nhân đàn để nuôi, từ đó tiết kiệm nhiều chi phí và công sức.
Chị Phương cho biết, chim bồ câu của gia đình chị nuôi là chim bồ câu ta. So với bồ câu lai thì bồ câu ta có trọng lượng nhẹ hơn nhưng lại sinh sản tốt hơn. Trung bình mỗi tháng, chị phương xuất bán hơn 200 con chim bồ câu cho các thương lái trên địa bàn, với giá ổn định từ 80.000-100.000 đồng/1 cặp.
Bên cạnh bán chim bồ câu thương phẩm, chị còn bán bồ câu giống cho người dân trên địa bàn và các xã lân cận. Nhờ nuôi chim bồ câu đã giúp gia đình chị Phương có thêm nguồn thu nhập ổn định với doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.
Chị Phương cho biết, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ bồ câu thương phẩm của các nhà hàng và người dân trên địa bàn ngày càng nhiều, đặc biệt là vào những tháng cao điểm của mùa cưới. Trong khi đó, các mô hình nuôi bồ câu trên địa bàn còn ít.
"Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân, tôi dự định sẽ vay thêm nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh để mở rộng thêm chuồng trại nuôi chim bồ câu với quy mô nuôi hơn 1.000 con chim bồ câu"- chị Phương cho hay.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh đạt 485 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so đầu năm, với trên 8.000 hộ gia đình còn dư nợ. Cùng với việc giải ngân, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được Ngân hàng CSXH và các tổ chức trong mạng lưới đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, do đó chất lượng tín dụng được duy trì ổn định. Đến nay, nợ quá hạn 139 triệu đồng, chiếm 0,03%/tổng dư nợ.
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc, hoạt động của Ngân hàng CSXH đạt hiệu quả là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên; tín dụng chính sách là công cụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Đến nay, HĐND, UBND huyện đã ưu tiên bố trí nguồn từ ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH số tiền 2 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, đưa tổng số tiền ngân sách huyện chuyển sang lên 7,2 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác huy động vốn đạt 74 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với năm 2022.
Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông đã ký, ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Đề án hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nguồn vốn ủy thác từ huyện sang Ngân hàng CSXH trong năm 2024 là 3 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với năm 2023; năm 2025 là hơn 3,3 tỷ đồng.
Đề án cũng nêu rõ, nguồn vốn thực hiện mục tiêu về giảm nghèo (100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống). Theo đó, Ngân hàng CSXH huyện sử dụng nguồn vốn thu nợ đến hạn để cho vay quay vòng và bổ sung nguồn vốn từ tỉnh, Trung ương để thực hiện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.