Học phí vẫn là nguồn thu - chi chính
"Lộ diện nghệ sĩ khách mời lễ khai giảng ", "Bật mí dàn khách mời siêu xịn tham dự chào tân sinh viên", "Đặt lịch quẩy cùng ca sĩ trong nhạc hội sinh viên"… hàng loạt thông báo đầy hấp dẫn xuất hiện trên trang cộng đồng của các trường đại học.
Cùng với việc đón tân sinh viên, các cơ sở giáo dục cũng lên kế hoạch tổ chức khai giảng, đại nhạc hội sinh viên năm học 2023-2024.
Năm nay, nhiều trường "chơi lớn" mời 3-5 ca sĩ nhưng cũng có nơi im lìm, chưa có kế hoạch cụ thể. Điều này khiến không ít sinh viên tỵ nạnh bởi trường này mời, trường kia không mời ca sĩ nổi tiếng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, để tổ chức một chương trình khai giảng, nhạc hội có mời ca sĩ tới tham dự sẽ tốn kinh phí không hề nhỏ.
Ca sĩ có tên tuổi, nổi một chút giá không dưới 70 triệu đồng cho một chương trình, hạng A cỡ 100-120 triệu đồng, ca sĩ "hot thật hot" có lúc lên tới 700 triệu đến cả tỷ đồng.
Nếu mời ca sĩ không mấy tên tuổi, mức cát-xê chỉ khoảng 10-20 triệu đồng nhưng hầu như sinh viên không hào hứng.
Một chương trình hoành tráng của trường học mời vài ca sĩ, chi phí có khi lên đến hơn 1 tỷ đồng, chưa tính âm thanh ánh sáng, sân khấu, hậu cần...
Vấn đề được bàn luận là tiền tổ chức những chương trình này lấy từ đâu?
Tại Việt Nam, 3 nguồn thu chính của trường đại học gồm: học phí; ngân sách Nhà nước, có thể là cấp chi thường xuyên, chi đầu tư cho các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ…; hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân.
Song, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu sống dựa vào các nguồn thu từ học phí, lệ phí và các khoản thu hợp pháp khác. Tỷ lệ nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác, tài trợ còn vô cùng hạn chế.
Tại các cuộc họp bàn về vấn đề tài chính, Bộ GD&ĐT cũng như đại diện các trường đại học đều khẳng định nguồn thu chính của các trường là học phí, chiếm khoảng 70-80%.
Trong khi đó, mấy năm qua, mức học phí ở các trường đại học công lập không tăng, điều này dẫn đến khó khăn cho các trường duy trì hoạt động cũng như tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Nguồn thu hạn chế, trong khi vật giá đều tăng cao khiến các trường than khó đảm bảo chất lượng.
Một lãnh đạo phòng công tác sinh viên đại học công lập ở TPHCM nói, vài năm nay, vì không tăng học phí nên các hoạt động trải nghiệm cho người học đều "co kéo" do kinh phí thấp.
"Ban đầu chúng tôi dự định tổ chức những chương trình đón tân sinh viên "hoành tráng" nhưng vì vấn đề chi phí nên đã đổi sang miễn tiền nhập học, hỗ trợ các chi phí sinh hoạt cho các em có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng... Như vậy sẽ thiết thực hơn", vị này cho hay.
Đấy là trường công lập còn có khoản thu khác ngoài học phí. Còn với trường tư thục, học phí chính là "nguồn nước" sống của trường. Chính vì thế, dù không chính thức thừa nhận nhưng ai cũng hiểu mọi hoạt động tại trường tư hầu hết đều từ học phí của sinh viên.
Nguyễn Thu Thùy (18 tuổi, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) - tân sinh viên một trường ở Gò Vấp, TPHCM - chia sẻ: "Chắc hẳn ai cũng mong muốn được gặp ca sĩ, được dự đêm nhạc hội nhưng nghĩ tới chi phí tổ chức đều lấy từ học phí em lại xót xa. Mẹ đi làm giúp việc để nuôi mấy chị em ăn học nên em mong học phí được sử dụng hiệu quả".
Tìm phương án vẹn cả đôi đường
Cũng đang lên kế hoạch cho lễ khai giảng sao cho ý nghĩa, vui vẻ nhưng tiết kiệm chi phí, ông Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định (GDU) - bày tỏ đây là bài toán khó.
Ông cho hay, những năm trước, nhà trường chủ trương tổ chức các hoạt động với sự tham gia của khoa, bộ môn, câu lạc bộ trong trường nhưng chưa thu hút được sinh viên như kỳ vọng.
Các bạn trẻ thường mong muốn được gặp thần tượng của mình, được trải nghiệm những hoạt động vui tươi, trẻ trung và thường so sánh với "trường người ta".
Vì thế, năm nay, đơn vị này cố gắng lên phương án phù hợp nhất để vẹn cả đôi đường, vừa tạo sân chơi cho sinh viên, giảng viên giao lưu, thể hiện bản thân vừa mời được nghệ sĩ đến tham gia cùng nhà trường.
"Để vừa đáp ứng mong mỏi của sinh viên, vừa không phát sinh nhiều kinh phí, nhà trường đang tận dụng các mối quan hệ để mời ca sĩ, DJ về giao lưu cùng sinh viên nhưng với mức chi phí rất thấp. Tuy nhiên, số ca sĩ sẵn sàng làm điều này không nhiều", ông Chung cho hay.
Cùng với chương trình văn nghệ, nhà trường cũng tổ chức nhiều buổi chuyên đề với các diễn giả nổi tiếng, các CEO của doanh nghiệp... để truyền cảm hứng, định hướng các em học tập tốt hơn.
Còn ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) - cho biết nhà trường nào cũng mong muốn tạo không gian cho sinh viên được trải nghiệm... Tuy nhiên, vấn đề chi phí sẽ là trở ngại lớn.
"Trường công lập chi tiêu phải theo quy định của Nhà nước nên khó có thể mời được những ca sĩ nổi tiếng với mức chi phí cao. Nhà trường sẽ tận dụng các mối quan hệ để tiết kiệm chi phí", ông Sơn cho hay.
Bạn đọc báo Dân trí cũng đã để lại hàng chục bình luận với mong muốn các chương trình khai giảng, chào tân sinh viên sẽ được tổ chức với quy mô phù hợp để tiết kiệm chi phí.
Nguồn kinh phí có thể đầu tư cho cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, lương giảng viên, trao học bổng cho những hoàn cảnh khó khăn... sẽ mang lại ý nghĩa to lớn hơn.