Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chia sẻ, TP.HCM đang gánh chịu những gánh nặng do hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng như những thách thức trong chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh và bền vững.
Để chủ động giải quyết thách thức, TP.HCM đã ban hành hàng loạt chính sách. Trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn, việc chuyển đổi lao động "xanh" là vô cùng quan trọng. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Điều này được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội mới cho thế hệ trẻ.
Đến năm 2030, chuyển đổi xanh sẽ tạo ra 8,4 triệu việc làm mới cho thanh niên, tuy nhiên 60% trong số đó có thể chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng cho nền kinh tế xanh. Do đó, sinh viên được yêu cầu phải chuẩn bị và trang bị kiến thức, kỹ năng và năng lực xanh để tham gia lực lượng lao động mới này. Kỹ năng xanh là những công cụ và kiến thức thực tế có thể hỗ trợ sinh viên sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường cũng như đưa ra các quyết định có ý thức về môi trường cả trong cuộc sống và nơi làm việc.
Trao đổi với sinh viên, ông Philipp Rösler cho biết, ông đã đến Việt Nam 10 năm trước và nay trở lại, ông thấy Việt Nam phát triển kinh tế rất nhanh. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế chủ yếu đang dựa vào nguồn lao động giá rẻ. Đây là khởi đầu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn trước.
"Việt Nam không nên quá tập trung vào nguồn lao động giá rẻ vì đây không phải là ý tưởng tốt nhất. Việt Nam là địa điểm lý tưởng để phát triển sản xuất bền vững với những công nghệ mới, giảm khí thải và thân thiện môi trường. Các bạn hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm được sản xuất 100% từ nguyên liệu bền vững", ông Philipp Rösler nói.
Ông Philipp Rösler tin rằng, Việt Nam có thể trở thành nơi sản xuất tốt, giá thành sản xuất rẻ và năng lực cạnh tranh vững vàng trên trường quốc tế. Chính vì vậy, nguồn lao động trẻ với cách tiếp cận công nghệ nhanh chóng, dễ dàng sẽ là những người tiên phong trong việc phát triển kinh tế xanh.
Theo ông Philipp Rösler, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong cuộc đua phát tiển kinh tế "xanh" vì dân số trẻ, môi trường giáo dục, đào tạo tốt. Đây là điều mà không nhiều quốc gia đang phát triển có thể làm được.
Ông Philipp Rösler cũng đề cập đến vai trò của đại học và của người trẻ đối với chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Theo ông, khái niệm "đại học" ngày nay không chỉ là nơi giảng dạy kiến thức, mà còn là nơi ra đời những ý tưởng mới, kiến thức mới có ích cho xã hội. Đại học cũng cần có những hoạt động để sinh viên nâng cao nhận thức về sống xanh, phát triển bền vững.
Theo ông, người trẻ cần được giáo dục để thật sự thấu hiểu được những ảnh hưởng tiêu cực của họ với thiên nhiên. Từ đó, người trẻ trăn trở bản thân có thể làm gì để cải thiện tình hình và lan truyền thông điệp sống xanh cho những người khác.