Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm, đó là một sự kiện diễn ra vào chiều 22/6/2023 vừa qua. Theo chia sẻ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hôm đó, buổi mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm rất quan trọng, bởi gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất mong muốn được tiếp nhận những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, bà con nhân dân để Bảo tàng ngày càng hoàn thiện hơn.
Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 – 1/1/2024) – người cha của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Buổi mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm này có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học về bảo tàng, lịch sử hàng đầu Việt Nam cùng đông đảo khách thăm quan.
Đây là Bảo tàng thứ hai về Đại tướng được xây dựng, hoàn thiện và ra mắt công chúng. Trước đó, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên - Huế đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức khánh thành và chính thức mở cửa đón khách tham quan vào ngày 4/7/2022.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội đến nay về cơ bản đã hoàn thành trưng bày, dự kiến chính thức khánh thành vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bảo tàng được xây dựng từ tháng 10/2021, đến tháng 6/2022 hoàn thành.
Tại buổi mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm, chia sẻ về ý tưởng xây dựng Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, ông đã ấp ủ từ rất lâu rồi.
Ông bảo, nếu nhớ không nhầm, ý tưởng này bắt đầu vào khoảng tháng 11/1986, khi gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trả nhà công vụ số 34 Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) cho Nhà nước, đã đưa toàn bộ bàn thờ, tất cả những kỷ vật, những gì liên quan tới Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lên xe ô tô đi vào miền Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bảo vì lúc đó ngoài Hà Nội, gia đình chưa có nhà. Nhưng trong tâm trí của ông Vịnh sẽ đến lúc làm lại chỗ thờ để đặt lại những kỷ vật gắn cha mẹ mình. "Từ hồi đó tôi đã ấp ủ rồi" – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Hôm đó, giới thiệu về những hiện vật, tài liệu được trưng bày ở Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ, những hiện vật đó đã lưu lạc không biết bao nhiêu nơi, rất may hiện nay còn lưu giữ được và trưng bày tại đây.
Nói về quá trình thành lập Bảo tàng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhớ lại, năm 2008, khi gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Nhà nước cấp, bán cho một diện tích đất ở số 47 Phan Đình Phùng (Ba Đình, TP.Hà Nội), ngay việc đầu tiên tướng Vịnh và mọi người trong gia đình làm là cải tạo tầng 2 làm nơi để đồ lưu niệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
"Từ năm 2008, chúng tôi đã có ý thức làm nhà lưu niệm rồi, tính đến nay cũng 15 năm" – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ.
Đến năm 2013, gia đình đã sửa sang lại căn nhà số 47 Phan Đình Phùng, làm phòng truyền thống và đặt những kỷ vật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở đó. Nhưng theo Thượng tướng, gia đình lúc đó có nguyện vọng làm một khu lưu niệm độc lập về Đại tướng.
Sau khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian để thực hiện nguyện vọng trên, từ sự đóng góp của mọi người trong gia đình, bảo tàng dần dần được hoàn thiện.
Thiết kế kiến trúc tòa nhà Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, từ những ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng, cùng nhiều kỷ niệm sâu sắc mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình đã ở từ năm 1958.
"Anh, chị em trong gia đình ủy quyền cho tôi xây dựng bảo tàng đúng y như ngôi nhà cũ gia đình từng sinh sống, nhưng nhà cũ không có thiết kế, không có ảnh, việc thực hiện toàn dựa trên ký ức" – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.
Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6/8/1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, phu nhân Đại tướng và các con tiếp tục ở tới năm 1986 thì trả lại cho Nhà nước, hiện nay là trụ sở Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.
Trong quá trình hoàn thiện Bảo tàng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, gia đình đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, từ Bảo tàng lịch sử quân sự đến các chuyên gia, nhà khoa học, để có được một Bảo tàng hoàn thiện, chính xác, khoa học nhất.
Tại buổi mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm cuối tháng 6/2023, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến góp ý, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học và quan khách tham quan và khẳng định, gia đình sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đó để tiếp tục có những điều chỉnh để bảo tàng hoàn thiện hơn trước ngày khánh thành. Ông mong muốn làm sao đưa Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến gần hơn với nhân dân, bởi ở mỗi vùng đất, miền quê, dấu ấn của vị "Đại tướng nông dân" luôn hiện hữu.
Cũng hôm đó, tâm sự về cha mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, ông đang viết 100 câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những câu chuyện mà chưa ai biết và với mỗi bức ảnh của Đại tướng, ông sẽ viết kèm một câu chuyện. Thế rồi, ngày 14/9, ông đã ra đi sau một thời gian lâm bệnh. Không biết với khoảng thời gian ngắn ngủi ông đã hoàn thành được ý nguyện với cha mình.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã từ trần tại nhà riêng vào rạng sáng 14/9, sau thời gian lâm bệnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1957( tuổi công tác), còn tuổi thực sinh năm 1959, quê Thừa Thiên Huế. Ông có 12 năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ghi nhận công lao đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng được trao tặng: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất của Campuchia; Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự) của Campuchia; Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga; Huân chương Antonio Maceo của Nhà nước Cộng hòa Cuba.
Tháng 5/2023, ông Nguyễn Chí Vịnh được chính phủ Nhật Bản trao Huân chương Mặt trời mọc Tia sáng vàng và Ruy băng cổ, vinh danh những đóng góp của ông cho quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước.