Tin từ BHXH tỉnh Phú Thọ cho biết, mới đây, 3 nữ nông dân đã được nhận lương hưu. Các chị là một trong số nông dân hiếm hoi tham gia BHXH tự nguyện ngay từ khi có chính sách này và sớm nhận được lương hưu hơn rất nhiều người khác.
Đó là chị Hoàng Thị Tám (xã Tiên Du - Phù Ninh), chị Trần Thị Khiêm (xã Vạn Xuân - Tam Nông) và chị Phùng Thị Sỹ (xã Thụy Liễu - Cẩm Khê).
Ba người phụ nữ cư trú tại 3 huyện khác nhau, có tuổi đời và hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ họ đều nằm trong số ít những người nông dân sớm biết về chính sách BHXH tự nguyện và quyết định tham gia ngay từ những ngày đầu tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện vào năm 2008.
Là người nông dân đầu tiên tại Phú Thọ được hưởng hưu trí, chị Hoàng Thị Tám (sinh năm 1965 trú tại khu 1, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) tham gia BHXH tự nguyện ngay từ tháng 1/2008.
Kịp thời đón đầu quy định về đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu theo Luật BHXH sửa đổi số 58/2014/QH13, tháng 10/2020 chị chính thức lĩnh tháng lương hưu đầu tiên. Sau 3 năm được hưởng chế độ, chị đã được tăng lương hưu hai lần vào tháng 3/2022 và tháng 7/2023.
Người nông dân thứ hai được nhận lương hưu từ tháng 6/2022 là chị Trần Thị Khiêm (xã Vạn Xuân - Tam Nông).
Chị Khiêm chia sẻ: “Tháng 7/2023, tôi được tăng lương hưu. Thẻ BHYT được cấp miễn phí, nếu tôi đi khám chữa bệnh cũng chỉ còn phải đồng chi trả 5% viện phí.
Tôi rất phấn khởi và cảm thấy mình thật may mắn, an tâm vì được chăm lo cuộc sống và sức khỏe nhờ có lương hưu".
Với mong muốn lan tỏa niềm vui và sự an tâm của tuổi già, chị Khiêm, trong vai trò thường vụ Hội Nông dân xã Vạn Xuân, tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình, với mong muốn có thêm nhiều nông dân có lương hưu.
Nữ nông dân thứ 3 vừa được nhận lương hưu là chị Phùng Thị Sỹ (sinh năm 1967, cư trú tại Cẩm Khê). Chị Sỹ chính thức nhận quyết định nghỉ hưởng chế độ hưu trí từ tháng 10/2023, hoàn thành giấc mơ mà "người nông dân có lương hưu" mà bố mẹ chị đã không thể thực hiện được.
Nông dân là lực lượng lao động chính trong xã hội nhưng phần lớn họ không có một điểm tựa an sinh vững chắc khi hết tuổi lao động.
Nhiều nông dân khi già yếu, mất sức lao động đã có cuộc sống rất khó khăn. Người nhờ cậy vào con cái báo hiếu cũng sẽ không thoải mái vì sống lệ thuộc. Người phải sống tằn tiện, kham khổ, dù già yếu vẫn phải nhọc nhằn cấy cày, mưu sinh.
Vẫn còn rất ít nông dân cao tuổi được thảnh thơi an hưởng tuổi già vì không có thu nhập ổn định. "Tuổi già có lương hưu" là mơ ước của nhiều nông dân.
Do đó, từ khi có chính sách BHXH tự nguyện, ngày càng có nhiều nông dân ở Phú Thọ tham gia BHXH tự nguyện, mong muốn có tuổi già có lương hưu, có cuộc sống an lành.
Nếu như năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Phú Thọ có 7.569 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến hết tháng 9/2023, con số này tăng lên 49.659 người (gấp 6,56 lần so với thời điểm năm 2018).
Số người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng là kết quả từ sự thay đổi của chính sách theo chiều hướng mở rộng, gia tăng quyền lợi của người tham gia, từ công cuộc cải cách hành chính mạnh mẽ, tăng cường công tác truyền thông và mở rộng mạng lưới thu BHXH tự nguyện đến từng thôn, bản, tổ dân phố… tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH tự nguyện.
Tham gia BHXH tự nguyện, người dân được thụ hưởng nhiều chế độ: Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ điều kiện; lương hưu với mức hưởng cao hơn nhiều so với mức đóng và định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và quỹ BHXH để đảm bảo cuộc sống của người tham gia.
Trong suốt quá trình hưởng lương hưu, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí, với mức hưởng bằng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Nếu người tham gia qua đời, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm trợ cấp tuất một lần (trong trường hợp người đang đóng BHXH tự nguyện, đang bảo lưu thời gian đóng, đang hưởng lương hưu) và trợ cấp mai táng.