Ban đâu Tôn Ngộ Không và Đông Hải Long Vương có khúc mắc vì hắn đã lấy gậy Như Ý ở Đông Hải. Nhưng có thể nói rằng họ "không đánh không quen nhau".
Sau này, khi gặp Đường Tăng, Tôn Ngộ Không rơi vào thế bị ép phải nghe lời. Bằng chứng là hắn vẫn còn rất ngông cuồng, nhiều lần cãi lời sư phụ. Trong lần gặp 6 tên cướp giữa đường, Ngộ Không nổi nóng lấy gậy Như Ý đập chết hết. Đường Tăng tức giận, không ngừng mắng mỏ Ngộ Không.
Tự ái nổi lên, Tôn Ngộ Không liền bỏ đi, cưỡi mây bay về phương Đông, bỏ sư phụ lại. Thời điểm đó Tôn Ngộ Không vẫn chưa thực sự hướng Phật, hướng về sư phụ. Hắn ta đến Đông Hải để kể lể với Long Vương. Ngộ Không nói: "Đường Tăng không biết tính ta, có mấy thằng giặc cỏ chặn đường bị ta giết chết, mà Đường Tăng cứ càu nhàu mãi, nói ta như vậy là sai".
Nhưng hắn lại được Long Vương khuyên nhủ thông qua bức tranh "Cầu Dĩ dâng giày". Khi biết ý nghĩa ẩn sau bức tranh, thấy Tôn Ngộ Không im lặng không nói gì, Long Vương lại nói thêm: "Đại thánh nên xem xét kỹ, đừng vì sở thích phóng khoáng mà lỡ các công việc về sau".
Đến đây, Tề Thiên Đại Thánh đã hiểu ra mọi chuyện, quyết định quay trở lại bên sư phụ. Chính lời khuyên của Long Vương đã giúp Tôn Ngộ Không nhận ra điều chân lý, không trở thành yêu quái, bị Thiên Đình ghét bỏ. Ngược lại, hắn lại có thêm động lực để hướng về cửa Phật.
Từ đó có thể thấy rằng Tôn Ngộ Không thực sự coi Long Vương của biển Đông Hải như một người bạn. Long Vương cũng coi Tôn Ngộ Không như một người bạn mà đưa ra lời khuyên chân thành.
Trong nguyên tác Tây Du Ký, năm xưa, Tôn Ngộ Không đã một mình đại náo Thiên Cung, đẩy lùi cả 10 vạn thiên binh khiến nhiều vị thần tiên hoảng sợ. Theo đó, dưới sự tiến cử của Quan Âm Bồ Tát, Nhị Lang Thần (Dương Tiễn) cùng Thái Thượng Lão Quân đã được Ngọc Hoàng phái đi thu phục Ngộ Không.
Dương Tiễn và Tôn Ngộ Không sau đó đã có trận đại chiến "long trời lở đất", dùng cả mưu trí lẫn tài phép đều bất phân thắng bại. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Thái Thượng Lão Quân với bảo bối Kim Cang Trác và Hao Thiên Khuyển, cuối cùng Dương Tiễn đã đánh ngã và bắt sống được Ngộ Không.
Có thể nói ban đầu hai người là "kẻ thù". Nhưng lại chính trong các trận chiến sống còn thì lại dễ nảy sinh cảm giác đồng cảm nhất.
Cả Dương Tiễn và Tôn Ngộ Không đều là những người đã từng đại náo thiên cung khiến thiên đình điêu đứng, tuy lý do khác nhau song Dương Tiễn cũng phần nào lí giải được tâm lí khi đại náo thiên cung của Tôn Ngộ Không. Bởi vì đều là anh hùng trong thiên hạ, mà những người có tài thì thường nhiều tật và có những suy nghĩ khác với người thường.
Chẳng thế mà khi được Đường Tăng giải cứu khỏi Ngũ Hành Sơn, lấy lại được tự do, khi gặp lại Nhị Lang Thần, Tôn Ngộ không đã gọi "đại ca". Tiếng "đai ca" này giống như một sự tôn trọng với đối thủ cũng như sự thông thấu đạo lý biết "quay đầu" của Tề Thiên Đại Thánh. Nhị Lang Thần còn giúp Tôn Ngộ Không thu phục yêu quái Cửu Đầu Trùng ở đầm Bích Ba.
Theo Đạo giáo Trung Hoa, Trấn Nguyên Tử hay Trấn Nguyên Đại Tiên là một trong ba vị đại tiên của Địa Liệt Tam Tôn. Ngài cũng được xem là ông tổ của dòng địa tiên, tức các vị tiên đã tu hành, đạt được quả vị nhưng ngụ ở mặt đất chứ không lên trời. Với thân thế như vậy, Trấn Nguyên Tử là một vị chân nhân đạo gia có đạo hạnh thâm sâu, địa vị không nhỏ.
Trấn Nguyên Tử không những quyền thế rất lớn, mà trong nhà ông còn có một bảo vật cực kỳ giá trị, đó chính là cây nhân sâm.
Khi Tôn Ngộ Không làm đổ cây nhân sâm nghìn năm của Trấn Nguyên Đại Tiên đã khiến vị địa tiên này tức giận, bắt trói 4 thầy trò Đường Tăng lại để răn dạy họ một bài học. Vị địa tiên này đã nói rằng: "Ta biết chuyện của ngươi, biết bản lĩnh của ngươi. Nếu con khỉ nhà ngươi cứu sống cây nhân sâm của ta, ta sẽ xin kết nghĩa làm anh em". Ngộ Không lém lỉnh: "Có gì mà khó. Ông hứa rồi đấy nhé!".
Quả đúng như vậy, Ngộ Không đi khắp tam đảo mười châu, cuối cùng được Phổ Đà gặp Quan Âm Bồ Tát giúp cứu sống cây nhân sâm.
Sau khi cây nhân sâm được cứu sống, theo lời giao ước, Trấn Nguyên Tử Đại Tiên đã kết bái huynh đệ cùng với Tôn Ngộ Không.