Với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, chị Lê Thị Ly (ở thôn 1, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn) là một trong những điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Hiện mô hình nhà màng, nhà lưới trồng dưa kim hoàng hậu của gia đình chị có diện tích 1.750m2.
Chị Ly cho biết: Năm 2022, gia đình chị được Đoàn Thanh niên xã Nga Liên tạo điều kiện tín chấp để vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại Ngân hàng CSXH huyện Nga Sơn. Được vay vốn, gia đình chị đã đầu tư mở rộng diện tích trồng dưa lưới. Sau vụ thu hoạch đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế cao, trừ các chi phí đi gia đình chị Ly cũng thu lãi hàng chục triệu đồng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tín dụng CSXH được triển khai gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển chuỗi liên kết... đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Từ vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, anh Đỗ Văn Ngự (ở thôn Tân Sơn, xã Hà Tân, huyện Hà Trung) đã đầu tư xưởng cơ khí hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương. Anh Ngự chia sẻ: "Được Hội ND xã tạo điều kiện, gia đình tôi đã vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện. Có vốn, gia đình tôi đã đầu tư mua thêm các loại máy, thuê thêm lao động, nhận thêm các đơn hàng. Hiện tại, xưởng cơ khí của gia đình tôi có 5 lao động với thu nhập bình quân mỗi người từ 9 - 10 triệu đồng/tháng".
Ông Lê Hữu Quyền - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tính đến 30/6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 13.010 tỷ đồng, tăng 867,2 tỷ đồng với 249,6 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm bao gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm… Dư nợ các chương trình này đạt 9.636,9 tỷ đồng, tăng 418,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 74% tổng dư nợ. Tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt bao gồm: Cho vay học sinh - sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay nhà ở xã hội, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh giải ngân vốn vay giải quyết việc làm đến với người dân. Đến hết tháng 3/2023, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa đã giải ngân được gần 220 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.943 lao động theo Nghị quyết số 11 góp phần vào tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa đã tích cực chỉ đạo, triển khai ứng dụng số nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả đến người dân. Từ đầu năm 2023, Ngân hàng CSXH Thanh Hóa đã chính thức triển khai sản phẩm dịch vụ Mobile Banking đến khách hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa đánh giá: Dịch vụ Mobile Banking với giao diện dễ sử dụng, mang đến nhiều tiện lợi cho khách hàng, thực hiện các giao dịch 24/7 nhanh chóng. Khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi như giao dịch tại quầy, đồng thời khách hàng có thể sử dụng ở bất kỳ nơi nào, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Điều này rất phù hợp với bà con thuộc đối tượng khách hàng nơi vùng sâu, vùng xa.