Dân Việt

Vườn rau sân thượng “ăn quanh năm” của bố đảm Hà thành

Nhật Hà 19/09/2023 13:22 GMT+7
Vườn rau sân thượng rộng 50m2 với nhiều lại rau, củ, quả của người bố đảm Hà thành quanh năm xanh tốt. Số rau củ ngoài để phục vụ gia đình, anh đó còn dùng chúng để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà anh gặp trong cuộc sống.

Anh Toàn chia sẻ về khu vườn sân thượng của mình. Clip: Nhật Hà.

Người đàn ông mê làm vườn và có tấm lòng nhân hậu đó là anh Nguyễn Xuân Toàn (37 tuổi, hiện đang công tác tại Hà Nội) chia sẻ, cách đây 2 năm, đúng lúc dịch bệnh covid bùng phát anh tình cờ vào nhóm Nghiện trồng cây và hội rau sạch tại nhà để xem vườn rau của mọi người, càng xem anh càng thấy ham và quyết định làm vườn, sau đó vì một vài lý do anh đã bán căn nhà cũ đó đi và hiện tại anh mới mua một căn nhà mới tại Mỹ Đình, Hà Nội và trồng lại "khu vườn sân thượng" từ tháng 7 năm 2023.

Vườn rau sân thượng “ăn quanh năm” của nam bác sĩ Hà thành - Ảnh 2.

Nhờ khu vườn sân thượng mà nhiệt độ tại đây luôn mát mẻ hơn nhiệt độ ngoài trời. Ảnh: NVCC.

Khu vườn được anh Toàn phân chia thành các khu riêng biệt như: khu trồng rau, khu trồng củ và khu trồng dưa quả.

Cách chọn loại cây trồng thì nam bác sĩ lựa chọn những loại cây, rau theo mùa, dễ trồng và phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình, kết hợp xem xét xem có phù hợp với điều kiện khí hậu hay không.

Vườn rau sân thượng “ăn quanh năm” của nam bác sĩ Hà thành - Ảnh 3.

Rau cải và xà lách trong khu vườn anh Toàn luôn xanh mướt nhờ được chăm sóc bằng phân ủ rác hữu cơ. Ảnh: NVCC.

Về khâu chăm sóc, anh Toàn nói, tuỳ cây giống với các đặc tính chăm sóc khác nhau thì anh bón các loại phân khác nhau, nhưng trồng cây và rau trong gia đình, trong khu dân cư thì bón phân đơn giản hơn rất nhiều vì chủ yếu là tưới bón phân ủ rác hữu cơ trong gia đình. Phân bón này được anh tận dụng tối đa rác nhà bếp để ủ và lấy nước đó pha loãng tưới cho các loại rau ăn lá, sau 10-20 ngày, anh lấy chính phân rác vùi hoặc trộn vào các chậu đất giúp cây phát triển luôn xanh tôt.

Vườn rau sân thượng “ăn quanh năm” của nam bác sĩ Hà thành - Ảnh 4.

Lúc lỉu những quả bí trên giàn, bên cạnh đó là giàn dưa lưới đang lớn dần. Ảnh: NVCC.

Theo anh Toàn, việc khó khăn lớn nhất đối với những "nông dân đô thị" đó là làm sao phải thật cẩn thận trong quá trình quy hoạch, thiết kế khu vườn sân thượng không để ảnh hưởng tới ngôi nhà, cụ thể là nhà không bị thấm dột. Vì thế, khi lắp chậu trồng, anh đã linh hoạt lắp thêm đường ống thoát nước giúp nước thừa khi tưới từ chậu chảy theo ống ra lỗ thoát sàn, không gây đọng nước.

Vườn rau sân thượng “ăn quanh năm” của nam bác sĩ Hà thành - Ảnh 5.

Anh Toàn cho biết dưa lưới anh trồng có vị thơm ngon đặc biệt do được tưới bằng mật ủ trứng. Ảnh: NVCC

Lúc mới kiến thiết khu vườn, anh hay bị người xung quanh bảo hâm khi người thành phố mà cứ hì hục, lọ mọ vác chuyển đất từ dưới lên sân thượng, anh còn hay bị vợ cằn nhằn bởi đi làm về là anh lên ngay sân thượng, cặm cụi trên đó tới mấy tiếng đồng hồ, song sau khi có thành quả nhận lại, anh được vợ con ủng hộ tuyệt đối.

Vườn rau sân thượng “ăn quanh năm” của nam bác sĩ Hà thành - Ảnh 6.

Số tiền thu được từ vườn rau, anh Toàn cùng bạn bè dùng để trao tặng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Số rau quả nhà anh Toàn dùng không hết, bạn bè anh còn ủng hộ anh bằng hình thức mua rau củ qủa sạch từ vườn nhà anh. Toàn bộ số tiền bạn bè ủng hộ anh dùng để từ thiện, giúp đỡ một số hoàn cảnh khó khăn.

Vườn rau sân thượng “ăn quanh năm” của nam bác sĩ Hà thành - Ảnh 7.

Các con anh Toàn rất vui khi được ngắm nhìn thành quả của bố mỗi ngày. Ảnh: NVCC.

"Đứng giữa khu vườn cảm giác thật trong lành và an nhiên, nhiệt độ cũng giảm rõ rệt so với nhiệt độ ngoài trời. Các con tôi có không gian xanh sạch để chơi, khám phá và trải nghiệm trồng cây với bố. Hơn nữa, từ khi có khu vườn, vườn đã cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho gia đình, và tôi cũng tận dụng lượng lớn rác thải nhà bếp để làm phân bón hữu cơ cho vườn. 

Tôi luôn dậy các con làm bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất cũng phải tìm tòi và học hỏi kiến thức thì mới có thành quả tốt, chứ không được nghĩ cây xanh tốt, nhiều quả mà dễ trồng nếu như không có sự tìm tòi và học hỏi thì không bao giờ thành công được như thế", anh Toàn bộc bạch.