Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương liên quan tới cải cách tiền lương và BHXH, đến nay chúng ta vẫn chưa thể thực hiện được việc cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm vàng để thực hiện cải cách tiền lương. Dịch Covid-19 qua đi, kinh tế tuy còn khó khăn nhưng đã ổn định được sản xuất, bắt đầu có nguồn tích lũy phục vụ cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế khiến đời sống công chức, viên chức cũng đối mặt với nhiều khó khăn, bởi vậy họ khát khao được tăng lương.
Mới đây, dù Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở , tiền lương đã tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng nhưng tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đủ để đáp ứng những nhu cầu cuộc sống, nên rất khó tạo ra đội ngũ công chức chuyên nghiệp, chuyên cần và hiệu quả.
Việc cấp bách đặt ra trước mắt là cần phải đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được với sự gia tăng của giá cả sinh hoạt trên thị trường. Đồng thời đảm bảo mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ công chức viên chức.
"Cải cách tiền lương cần đảm bảo mức lương chi trả tương xứng, thể hiện đúng giá trị sức lao động của cán bộ công chức viên chức. Tiền lương phải thể hiện được giá trị sức lao động bằng giá cả trên thị trường. Đảng và Nhà nước cần tập trung nguồn lực, coi đầu tư cải cách tiền lương chính là đầu tư cho phát triển".
Ông Bùi Sỹ Lợi
Nhiều lần chia sẻ với PV Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy Ban các Vấn đề xã hội quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng muốn cải cách tiền lương, việc đầu tiên cần làm là cần tiếp tục sắp xếp, tổ chức, biên chế, bộ máy, tinh giản biên chế và bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, và Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
"Phải nhận thức rõ việc tinh giản biên chế là yếu tố tiên quyết của cải cách chính sách tiền lương, sự phân công lại lao động một cách hợp lý sẽ góp phần tăng năng suất lao động, tạo tăng trưởng xã hội để phát triển đất nước", ông Lợi nói.
Cùng với việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức, chúng ta cũng cần chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng phải thực hiện có chọn lọc, đảm bảo các đơn vị này đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều này nghĩa là, cần tăng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập để họ có thể tự chủ, có đủ năng lực (tài chính, quản lý) đảm bảo có thể đáp ứng được nhiệm vụ khi thực hiện cải cách tiền lương.
Chia sẻ về vấn đề nguồn để cải cách tiền lương, ông Phạm Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: "Muốn cải cách tiền lương mà nguồn không có cũng đành chịu".
Thực tế, dù nhận thấy cần phải cách cách tiền lương từ năm 2018 nhưng do thời gian qua toàn ngân sách Nhà nước được ưu tiên dành cho phòng, chống dịch Covid-19 nên không còn nguồn để cải cách tiền lương.
Ông Bùi Sỹ Lợi thì cho rằng, để tạo nguồn cải cách tiền lương bắt buộc phải tinh giản biên hế chế. Cùng với đó là tiết kiệm, phòng chống tham nhũng… tăng thu từ nguồn của địa phương.
Thậm chí, cần phải cân đối, cắt giảm đầu tư công không hiệu quả (chương trình chậm tiến độ) để đầu tư cho cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, viên chức.
"Đồng thời phải giảm bớt chi đầu tư tăng trưởng để dành một phần nguồn lực cho cải cách tiền lương, vì đầu tư cho cải cách tiền lương chính là đầu tư cho phát triển", ông Lợi nói.
Bộ Tài chính vừa thông tin, đến cuối năm 2021, nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách Trung ương chưa sử dụng còn khoảng hơn 54.500 tỷ đồng, trong đó, các bộ ngành chưa dùng gần 82 tỷ đồng. Các địa phương cũng dư tiền dành cho cải cách tiền lương gần 208.500 tỷ đồng. Như vậy, đến cuối 2021, ngân sách dư gần 263.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định bộ này sẽ rà soát, thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương.