Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", vào năm 1236, Mông Cổ chính thức xâm lược nhà Nam Tống. Năm 1256, toàn bộ nước Đại Lý (nay là tỉnh Vân Nam) đã chia thành phủ, huyện đặt dưới quyền cai trị của người Mông Cổ, đứng đầu là viên tướng Uriyangqadai. Nước Đại Việt từ nay bị Mông Cổ trực tiếp uy hiếp. Uriyangqadai cho sứ tới Thăng Long đòi Nhà nước Đại Việt phải chấp nhận ba việc: Một là triều cống; hai là cho quân Mông Cổ mượn đường đánh vào Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc); ba là đặt chức Daguratri (viên toàn quyền) tại Thăng Long. Nhà Trần chỉ chấp nhận có một việc là cống nạp.
Lường trước được tình thế nên nhà Trần đã lo củng cố và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho dân. Về việc binh, ngoài số quân thường trực ít ỏi của triều đình, nhà vua cho phép các vương hầu được lập phủ binh, gia binh lấy từ số nông phu trong điền trang thái ấp của mình. Quân ấy khi thường thì giữ gìn an ninh ở địa phương, khi nước có giặc thì nhà nước sai khiến vào việc đánh giặc, giữ nước. Ngoài ra, với chính sách "ngụ binh ư nông" đã có từ thời nhà Lý, nay vẫn duy trì, nên số quân dự bị khá đông, sẵn sàng bổ sung cho quân thường trực khi cần. Năm 1257, quân Mông Cổ mở đợt đại tiến công vào thành trì nhà Nam Tống theo bốn hướng qua các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Kinh Sơn và Nam Ninh (Quảng Tây). Nhưng quân Mông Cổ muốn đánh vào Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) phải qua nẻo đường Đại Việt. Vì vậy năm Đinh Tỵ (1257), tướng Mông Cổ ở Vân Nam (Đại Lý) đã ba lần cử sứ vào Đại Việt. Lần thứ nhất, vào tháng 8, lần thứ hai vào tháng 9 và lần thứ ba vào tháng 11.
Các viên tuyên dụ sứ Mông Cổ vào Thăng Long đòi nhà Trần phải thực hiện đầy đủ cả ba yêu sách. Bị nhà Trần khước từ, chúng buông lời mạt sát hỗn hào xâm phạm đến quốc chủ và quốc thể, nên cả ba lần các tên chánh sứ đều bị giam trong nhà công quán. Cả ba đoàn tuyên dụ sứ vào Thăng Long không một đoàn nào trở về. Mặt khác, lại bị triều đình thúc giục tiến đánh Ung Châu để phối hợp với các cánh quân khác, Uriyangqadai liền huy động hơn 30 ngàn quân kỵ Mông Cổ và 20 ngàn quân bộ là người Thoán - Bặc của tên vua bù nhìn Đoàn Hưng Trí lên đường vào xâm lăng Đại Việt từ ngày Mười hai, tháng Chạp, năm Đinh Tỵ.
Vua Trần Thái Tông lập trận địa cản giặc tại Đồng Bình Lệ (nay thuộc Vĩnh Phúc) rồi lui quân về Thăng Long. Sau lại bỏ Thăng Long về tập kết quân đội tại vùng Mạn Trù (Hưng Yên). Quân giặc vào Thăng Long tìm tới nhà công quán thấy ba tên chánh sứ còn đang bị trói, một tên bị trói chặt quá đã chết. Một tuần sau quân ta phản công. Lúc này, quân của Trần Hưng Đạo phối hợp với quân của các tù trưởng Hà Bổng, Hà Khuất trên vùng Lào Cai, Yên Bái đã tiêu diệt gọn 2 vạn quân Thoán - Bặc của Đoàn Hưng Trí. Tướng giặc biết được tin này nên khi quân ta phản kích, giặc hoảng hốt tháo chạy, bỏ lại Thăng Long tất cả những gì chúng vơ vét được. Bị thiệt hại nặng nề, từ đó người Mông Cổ không ép ta nữa mà chỉ mơn trớn, dụ dỗ.
Dò biết được tình hình quân Mông Cổ đánh Trung Hoa dữ dội, nhà Trần đi sâu vào việc tăng cường binh bị, cố kết trăm họ để giữ nước. Năm 1279, quân Mông Cổ đã hoàn toàn tiêu diệt nhà Nam Tống, đặt nền thống trị trên toàn cõi Trung Hoa, lập ra Nhà nước Đại Nguyên do Hốt Tất Liệt - cháu nội Thành Cát Tư Hãn lên ngôi hoàng đế. Lúc này, Hốt Tất Liệt rảnh tay và âm mưu thôn tính Đại Việt. Trước hết, Hốt Tất Liệt dùng sức ép đòi nhà Trần phải thực thi 6 điều: Quân trưởng (vua Đại Việt) phải vào chầu; Kê khai hộ khẩu; Phải chịu quân dịch; Phải nộp phú thuế; Cho mượn đường sang đánh Chiêm Thành; Đặt chức Daguratri (toàn quyền), đeo hổ phù, ra vào triều đình Đại Việt và đi bất cứ nơi chốn nào trong nước mà y muốn.
Cứ theo nội dung trên thì xem ra nhà Trần chỉ cần nhận một trong sáu điều cũng coi như đất nước đã mất chủ quyền. Vả lại với Hốt Tất Liệt lúc này thì chỉ cần Đại Việt sơ sẩy điều gì trong quan hệ bang giao là y có cớ cất quân xâm chiếm ngay. Vì vậy, việc vua tôi nhà Trần phải bàn tính làm thế nào từ chối cả 6 điều mà vẫn tránh được can qua. Không những thế, từ triều đình đến các vương hầu còn phải khẩn trương luyện tập tinh binh để đề phòng bất trắc. Ngoài ra còn phải lo cất giấu lương thực để tiếp tế cho quân, lo tổ chức và huấn luyện các đội dân binh, hương binh... trăm thứ phải lo khẩn cấp như giặc đã áp sát biên thùy, nhưng lại phải che tai bịt mắt sứ giặc khiến chúng có tai như điếc, có mắt như đui... thì quả là một việc vô cùng khó khăn.
Thế nhưng triều đình nhà Trần vô cùng sáng suốt trong việc thực hiện sách lược đoàn kết chặt chẽ nội bộ, cố kết toàn dân, dựa hẳn vào dân để tạo ra sức mạnh dời non lấp biển. Chính bản lĩnh ấy đã giúp cho triều đại nhà Trần nói riêng, quân dân Đại Việt thời ấy nói chung đã viết nên trang sử oai hùng nhất của dân tộc trong thời phong kiến. Và ngày nay, bản lĩnh ấy đã và đang được phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.