Hội thảo nhằm tiếp tục làm rõ khả năng đáp ứng của huyện Bình Chánh về các tiêu chuẩn lên thành phố (thuộc TP.HCM), định hướng phát triển huyện đến 2030.
Đồng thời, hội thảo đề xuất các giải pháp, danh mục đầu tư nhằm cải thiện các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi kinh tế đô thị, quản trị hiện đại, nâng cao đời sống người dân và hướng tới phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Huỳnh Cao Cường, đề án "Đầu tư xây dựng, chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030" thuộc chương trình đột phá của TP.HCM theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM.
Tuy nhiên, Bình Chánh không thể đạt các tiêu chí để chuyển thành quận nên định hướng rõ ràng của huyện là chuyển đổi thành thành phố trực thuộc TP.HCM. Đây là mô hình phù hợp với bối cảnh phát triển của huyện.
Tại hội thảo, Bí thư huyện uỷ huyện Bình Chánh Trần Văn Nam nhấn mạnh: "Đội ngũ cán bộ huyện phải quán triệt tư tưởng đưa huyện Bình Chánh lên thành phố chứ không lên quận nữa để thống nhất hành động. Từng cán bộ tận dụng cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để suy nghĩ, đưa ra những hiến kế để phát triển huyện".
Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam cho rằng huyện Bình Chánh là cửa ngõ của TP đến các tỉnh phía Tây. Ông ví huyện như một cái khớp kết nối quan trọng nhưng cái khớp này còn nhiều trục trặc. Cụ thể, hệ thống đường sá, cầu cống chưa hoàn thiện, không phát huy được thế mạnh của một địa phương cửa ngõ.
Không chỉ vậy, huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Bình quân mỗi năm dân số cơ học tăng thêm 40.000 người, chủ yếu là dân nhập cư. Đây là vừa là cơ hội vừa là thách thức.
Với mức độ gia tăng dân số này, huyện Bình Chánh sẽ có lực lượng lao động dồi dào nhưng đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải phát triển nhanh chóng theo. Do đó, Bình Chánh phải nhanh chóng phát triển lên thành phố để giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay.
Do đặc thù địa bàn huyện Bình Chánh chia thành 3 khu vực rõ ràng nên cần phải tính toán phát triển công nghiệp công nghệ cao, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch phù hợp với địa lý, văn hóa của từng nơi.
Với các xã chưa lên được phường thì phải tính toán làm nông nghiệp đô thị, giữ lại mảng xanh cho TP.HCM nhưng phải nâng cao giá trị đất nông nghiệp.
ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan cho rằng, qua quá trình nghiên cứu đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đến năm 2025 huyện Bình Chánh khó thành quận, vì huyện còn một số xã thuần nông, không thể đáp ứng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường.
Việc thành lập TP.Bình Chánh thuộc TP.HCM và thành lập các phường không những giải quyết được những khó khăn, bất cập hiện tại về cơ cấu tổ chức bộ máy, công tác quản lý nhà nước, mà còn là điều kiện cần thiết để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Mặt khác, việc chuyển huyện Bình Chánh trở thành thành phố trực thuộc TP.HCM có ý nghĩa quan trọng. Huyện có vị trí là cửa ngõ, nối kết trực tiếp TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong phát triển liên vùng, giữa vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Còn theo TS Dư Phước Tân, với định hướng mô hình thành phố trực thuộc thành phố, đến năm 2030, huyện Bình Chánh định hướng trở thành đô thị phức hợp.
Huyện sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trọng tâm phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái. Trong đó, ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch là nền tảng cho sự phát triển.
Để hình thành một đô thị sinh thái và công nghiệp hiện đại, bên cạnh đầu tư mạng lưới giao thông kết nối bên ngoài, xây dựng các tuyến đường bộ nối dài, liên kết tỉnh Long An và ĐBSCL, huyện Bình Chánh cần triển khai đầu tư mạng lưới giao thông nội bộ kết nối các khu chức năng, khu dân cư và kết nối vào các trục xuyên tâm vào TP.HCM.
Cùng với đó, phát triển hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị cấp vùng; nhà ở và hạ tầng xã hội phù hợp tăng dân số; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng nông nghiệp đô thị. Bên cạnh đó, huyện phát triển nông nghiệp đô thị và đô thị sinh thái, phát triển mảng xanh theo hướng đô thị sinh thái. Đồng thời, liên kết các khu công nghiệp với nhau dưới dạng công nghiệp cộng sinh, tuần hoàn…