Dân Việt

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: 5 vấn đề đặt ra với Hội Nông dân tỉnh Nam Định nhiệm kỳ mới

Minh Ngọc- Mai Chiến 22/09/2023 16:04 GMT+7
"Trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như chưa được đưa ra quyết định trong chuỗi sản xuất. Trong khi đó, thách thức trong sản xuất nông nghiệp rất gay gắt, rủi ro cao...", Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nam Định, ngày 22/9.

"Người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế"

Theo Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn, trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như chưa được đưa ra quyết định trong chuỗi sản xuất. Trong khi đó, thách thức trong sản xuất nông nghiệp rất gay gắt, rủi ro cao, sâu bệnh, hạn hán, lũ lụt, vật tư đầu vào tăng nhanh hơn giá nông sản gây nhiều khó khăn cho nông dân.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đổi mới cách thức sản xuất trong nông dân còn chậm; liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ; tỷ lệ cơ giới hóa, khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản còn thấp; xu thế gia công trong nông nghiệp ngày càng rõ. Các vấn đề về việc làm và thu nhập, đất đai, dân chủ ở cơ sở chưa được giải quyết gây bức xúc cho người nông dân.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn: Người nông dân luôn ở vị trí yếu thế, các cấp Hội ND cần quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ - Ảnh 1.

Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Nam Định lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028.

Vấn đề chế biến, tiêu thụ nông sản đang là thách thức lớn nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp; sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún; hợp tác, liên kết còn rời rạc, dễ đứt gãy, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa...

Cùng với đó chất lượng, mẫu mã nông sản chưa đồng đều, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường... đang là những cản trở lớn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường đang là vấn đề đặt ra với đối với công tác Hội và phong trào nông dân cả nước nói chung và Nam Định nói riêng.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, để giải quyết những vấn đề nêu trên và để nông dân phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới cần tổ chức Hội Nông dân các cấp quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ để tham gia giải quyết.

Thực chất, hiệu quả, phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt

Để công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Nam Định ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đã gợi mở 5 vấn đề tại Đại hội:

Thứ nhất, Hội Nông dân tỉnh Nam Định cần tiếp tục đổi mới nộng dung phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ.

Phát huy hiệu quả các kênh thông tin tuyên truyền; ứng dụng nền tảng mạng xã hội, hình thành các nhóm hội viên nòng cốt tham gia các diễn đàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và truyền tải thông điệp tích cực đến đông đảo hội viên nông dân.

Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ báo cáo viên; định kỳ tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận; đa dạng hóa và nâng cao tính hấp dẫn, thuyết phục trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị gắn với các hoạt động của tổ chức Hội.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn: Người nông dân luôn ở vị trí yếu thế, các cấp Hội ND cần quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ - Ảnh 2.

Thứ hai, tăng cường và tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân. Trong đó, chú trọng việc hỗ trợ, quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân; ứng dụng công nghệ thông tin và sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng nhiều sản phẩm OCOP mang thương hiệu riêng của Nam Định...

Thứ ba, Hội Nông dân Nam Định cần đồng hành để phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Vận động nông dân tích cực tham gia các phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của tỉnh; chuyển những diện tích sản xuất hiệu quả thấp sang hiệu quả kinh tế cao hơn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ nhỏ lẻ sang hàng hóa, chuyên canh, tập trung quy mô lớn, hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, HTX gắn với phát triển chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, HTX để sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Thứ tư, Hội Nông dân Nam Định cần không ngừng xây dựng và củng cố tổ chức Hội nhằm đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới. Tập trung xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp, tạo cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; chuyển dịch phát triển du lịch dịch vụ; làm tốt vai trò đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nông dân.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; không ngừng rèn luyện để có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Nam Định khóa XI phải không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, hoạt động hăng hái hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn, góp phần xứng đáng vào kết quả công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh.

Thứ năm, Hội Nông dân Nam Định cần bám sát thực tiễn cuộc sống, các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14 ngày 8/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ lần thứ XX và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.

Đổi mới việc tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nông dân theo hướng đi sâu, đi sát, khơi dậy ý thức làm chủ của hội viên, nông dân; Tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại trực tiếp, các hình thức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của hội viên, nông dân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân.