Dân Việt

Rau này đem cuốn thịt ai cũng mê, ăn đúng còn chữa bệnh xương khớp, ngừa ung thư, nhưng dùng thừa lại suy gan, thận

Diệu Thuần 22/09/2023 19:33 GMT+7
Theo các bác sĩ, dù cây lá lốt có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, vừa dùng làm thuốc vừa có thể chế biến được các món ăn ngon, nhưng chỉ nên ăn số lượng vừa phải.

Nhổ bỏ vì cây quá tạp sống

Theo BSCKI. Lâm Nguyễn Thuỳ An, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3, loại rau lá lốt còn có tên là tất bát, thuộc họ hồ tiêu, mọc hoang hoặc được trồng khắp nơi ở nước ta. 

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, lá và thân cây lá lốt chứa nhiều tinh dầu, dù phơi khô lượng tinh dầu vẫn chiếm khoảng 0,5-1%. 

Điều đặc biệt, lượng tinh dầu của loại rau này có mùi thơm đặc trưng, chứa nhiều hợp chất hữu cơ như beta-caryophylen, benzyl axetat, piperolotin... nên có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa và giảm đau.

Rau này đem cuốn thịt ai cũng mê, ăn đúng còn chữa bệnh xương khớp, ngừa ung thư, nhưng dùng thừa lại suy gan, thận - Ảnh 1.

Những cây lá lốt mọc um tùm trong vườn nhà chị Ngọc Hân. Ảnh: Diệu Thuần.

Ngoài ra, các hợp chất alcaloid và flavonoid có trong loại rau này có khả năng gây ức chế hoặc kích thích hệ thần kinh trung ương, giãn mạch máu, làm ấm cơ thể, bảo vệ màng tế bào, ngăn ngừa viêm nhiễm và ung thư…

Theo y học cổ truyền, lá lốt có vị cay, nồng, hơi đắng, tính ấm nên khi kết hợp với dược liệu khác như nghệ, phèn chua, hành tây tạo nên các bài thuốc điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến tiêu hóa, xương khớp, da liễu, giải cảm và sản phụ khoa.

Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại Học Y dược TP.HCM, loại rau này không chỉ làm thuốc mà còn dùng để làm gia vị chế biến được nhiều món ăn khác nhau. 

Trong đó, có 2 món ăn được nhiều người biết đến là bò lá lốt và chả lá lốt. Vì vậy, loại rau này được nhiều người trồng để làm rau ăn.

Rau này đem cuốn thịt ai cũng mê, ăn đúng còn chữa bệnh xương khớp, ngừa ung thư, nhưng dùng thừa lại suy gan, thận - Ảnh 1.

Món thịt bò cuốn lá lột được nhiều người thích ăn. Ảnh minh họa.

Vợ chồng chị Ngọc Hân (TP Thủ Đức) cũng trồng cây lá lốt trong khu vườn rộng khoảng 20m2 để khi làm món bò lá lốt, cà xào lá lốt, ốc xào lá lốt, chả ốc lá lốt, hay khi ăn sống với thịt luộc, cuốn với bánh xèo… không cần phải đi mua.

Chị cho biết, khu vườn này ngoài trồng cây lá lốt chị còn trồng bầu, bí, rau dền đỏ, rau cải, rau muống, dưa leo, cà tím và mồng tơi làm rau ăn cho cả nhà. 

Các loại rau này phải chăm sóc, bón phân, tưới nước, bắt sâu thường xuyên mới có thể lớn, không bị sâu bệnh phá.

Tuy nhiên, với cây lá lốt thì không chăm cũng lớn rất nhanh, đẻ nhánh lan khắp vườn. “Ban đầu, chồng tôi chỉ xin 1 nhánh của người quen mang về trồng, sau đó nó lan nhanh, phải liên tục nhổ bỏ. Mà nhổ bỏ phải nhổ tận gốc, sót chút rễ hoặc thân cây là nó lại tiếp tục mọc lên”, chị Ngọc Hân chị sẻ.

Rau này đem cuốn thịt ai cũng mê, ăn đúng còn chữa bệnh xương khớp, ngừa ung thư, nhưng dùng thừa lại suy gan, thận - Ảnh 2.

Lá lốt dễ sống và lan nhanh, khiến một số người trồng phải hỏi cách làm sao có thể diệt bớt. Ảnh: Diệu Thuần.

Ăn nhiều lá lốt có thể gây kích ứng dạ dày, buồn nôn và tiêu chảy

Theo các bác sĩ, cây lá lốt dù tốt nhưng chỉ nên dùng một lượng vừa phải, thông thường mỗi người trung bình chỉ nên dùng từ 50 đến 150g/lần, không nên sử dụng nhiều hơn vì có thể gây ra kích ứng dạ dày, buồn nôn và tiêu chảy.

Với trường hợp sử dụng cây lá lốt để trị bệnh thì cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên quá thần thánh. Không nên sử dụng lá lốt trong thời gian dài, vì có thể gây ra suy giảm chức năng gan và thận.

Không nên sử dụng loại rau này cho phụ nữ có thai và cho con bú, vì có thể gây ra co tử cung và ảnh hưởng đến sữa mẹ.

Không nên sử dụng loại rau này cho người đang mắc bệnh táo bón, nhiệt miệng, nóng bức trong người, người bị sốt cao, viêm loét dạ dày và tá tràng, vì có thể gây ra kích thích và làm trầm trọng thêm tình trạng.