Trả lời thắc mắc của giáo viên mới đây về việc lương, phụ cấp của nhà giáo thấp dẫn đến tình trạng giáo viên không yên tâm công tác, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách gồm: lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác.
Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi như: được hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Mặc dù vậy theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, so với biến động giá cả, thu nhập của giáo viên vẫn đang ở mức thấp.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo.
Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở xếp ở hệ số lương khởi điểm là 2,34.
Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo đã giúp cho giáo viên mới ra trường cải thiện một phần thu nhập.
Trước câu hỏi của nhiều giáo viên về thời gian thực thi chính sách tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học 5%, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, việc chi trả phụ cấp ưu đãi cho giáo viên phát sinh một số khó khăn.
Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển việc, bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Trên tinh thần kế thừa những quy định đã có và đang phù hợp, Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học với mức tăng 5-10% nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non và giảng dạy, giáo dục học sinh tiểu học.
Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành liên quan.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành quy trình xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định về nội dung này.