Ngày 27/9, theo nguồn tin của Dân Việt, TAND tỉnh Kiên Giang vừa tuyên xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V.Đ.K (53 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) và ông L.X.H (50 tuổi, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP.Phú Quốc).
Bên cạnh đó, TAND tỉnh Kiên Giang còn tuyên hủy toàn bộ các quyết định xử phạt, cưỡng chế đối với 2 trường hợp ông K và ông H. Tòa còn tuyên bố hành vi cưỡng chế của Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc vào ngày 9/11/2022 đối với 2 trường hợp nói trên là trái quy định của pháp luật.
Theo bản án, ngày 25/8/2022, công chức địa chính - xây dựng xã Dương Tơ lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông V.Đ.K và ông L.X.H, do có hành vi chiếm đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) tại khu vực nông thôn với diện tích 500,9m2 (đối với ông K) và 502,3m2 (đối với ông H) do UBND xã Dương Tơ quản lý theo Quyết định 2600/QĐ-UBND, ngày 14/12/2012 của UBND tỉnh Kiên Giang.
Trên thửa đất ông K xây dựng một căn nhà diện tích 150m2, thửa đất ông H xây dựng một căn nhà diện tích 170,6m2.
Ngày 9/9/2022, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc ra quyết định xử phạt ông K và ông H mỗi người 7,5 triệu đồng, sau khi lập biên bản vi phạm hành chính (khi lập có mặt ông K và ông H, nhưng 2 ông không ký và không nhận biên bản vi phạm hành chính, trong biên bản có chữ ký của đại diện chính quyền xã Dương Tơ và chữ ký của một người chứng kiến).
Theo quyết định, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc ông K và ông H khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại diện tích đất đã chiếm cho UBND xã Dương Tơ quản lý theo biên bản đo đạc ngày 25/8/2022 của UBND xã Dương Tơ. Ông K và ông H đều đã nộp phạt bằng tiền.
Tuy nhiên, theo TAND tỉnh Kiên Giang xác định Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc xác định sai chủ thể quản lý đất nên không có căn cứ xác định loại đất mà 2 ông chiếm là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm như biên bản vi phạm hành chính đã lập (!?)
Từ đó Tòa án căn cứ Nghị định 166/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế.
Vì vậy, Tòa cho rằng quyết định cưỡng chế đối với ông K và ông H của Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc, ngày 31/10/2022 quy định "thời gian thực hiện là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định" là vi phạm Nghị định 166/2013/NĐ-CP, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của 2 ông K và H.
Trong khi ông K và ông H nhận quyết định cưỡng chế vào ngày 1/11/2022; nhưng đến ngày 9/11/2022, Chủ tịch UBND TP.Phú Quốc đã tiến hành cưỡng chế là chưa hết thời hạn 10 ngày nêu trong quyết định cưỡng chế.
Căn cứ nội dung biên bản cưỡng chế, ngoài các đồ dùng sinh hoạt gia đình của ông K và ông H được ban cưỡng chế mang đến UBND xã Dương Tơ thì toàn bộ các tài sản còn lại đều bị phá hủy.
Theo thống kê của ông K và ông H, căn nhà bị cưỡng chế có nhiều tài sản, thiết bị có thể tháo dỡ và tái sử dụng được nhưng ban cưỡng chế không thực hiện quy trình tháo dỡ mà sử dụng xe cơ giới để phá hủy là không phù hợp theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến tài sản hợp pháp của ông K và ông H.