Sáng 29/9, Lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I-2022 và công bố giai đoạn II-2023 của đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia" do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đến tham dự là đại diện lãnh đạo của Bộ, Ban ngành, lãnh đạo tỉnh, Sở VHTTDL, cùng 200 khách mời và nghệ nhân.
Tại lễ trao chứng nhận, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ, Di sản văn hóa Việt Nam đã hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử, hàng trăm món ăn nổi tiếng Việt Nam như phở, bánh mì, nem… đã được tổ chức ẩm thực thế giới, kênh truyền thông quốc tế, tạp chí ẩm thực quốc tế vinh danh. Trong xu thế phát triển ngày càng đa dạng về nhu cầu du lịch, ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ ăn uống đơn thuần của du khách mà còn được xác định là mục đích chính trong các chuyến du lịch.
Theo ước tính của tổ chức du lịch ẩm thực thế giới, du khách quốc tế với 25%-35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan tới thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, xác định du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao thế cạnh tranh và khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam.
"Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch ẩm thực, Cục du lịch Quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng. Trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng gắn tới từng món ăn, đồ uống. Quan tâm chia sẻ tới du khách về không gian ăn uống, văn hóa ứng xử trong khi thưởng thức đồ ăn theo văn hóa truyền thống của người Việt. Từ đó nâng hành trình văn hóa ẩm thực lên một tầm cao mới, cũng là để quảng bá nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng quảng bá mạnh mẽ văn hóa ẩm thực tại các kênh truyền thông quốc tế và bạn bè, du khách quốc tế.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia" với nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt là lễ trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I-2022. Điều này có ý nghĩa, động lực giúp Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và các hội viên, nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực vững tin hơn trên con đường thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh của mình. Tích cực đóng góp việc phát triển, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam nói riêng và phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung", ông Lê Văn Phúc nói.
Tại lễ trao chứng nhận, 121 món ẩm thực với tên gọi kỳ lạ, cách chế biến độc đáo như: Cá he kho rục (Cần Thơ); Gà mọ (Điện Biên); Cá bỗng; phở ngô (Hà Giang); Chả chìa Hạ Lũng (Hải Phòng); Gỏi củ hủ khóm (Hậu Giang)… đã được vinh danh và trao chứng nhận.
Ông Lê Tân, nhà nghiên cứu văn hoá ẩm thực, Phó chủ tịch Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam, chia sẻ với Dân Việt: "Ẩm thực Việt Nam đã đến lúc cần có một vị thế mới, nâng tầm trên bản đồ ẩm thực thế giới. Ngoài những văn hoá khác, ẩm thực là một trong những yếu tố hàng đầu để tôn vinh giá trị văn hoá, tinh hoa, hồn cốt của dân tộc Việt Nam.
Dự án tập giai đoạn I-2022, tập 1 gồm 121 món ăn tiêu biểu được công nhận lần này là tín hiệu tích cực để cho thế giới, công luận biết rằng Việt Nam đã thăng hoa lên tầm cao mới về văn hoá ẩm thực.
Việt Nam có 7 dòng món ăn Bắc, Trung, Nam, Hải đảo, miền núi, chay, món cung đình, món tiến vua. Trong đó, 6 dòng món ăn thế giới đều có thể có nhưng trên thế giới không có món ăn tiến vua, mà chỉ Việt Nam mới có dòng món ăn này.
Trong 121 món ăn của tập 1, hầu như 100% là thuần Việt. Chúng tôi chưa sử dụng đến món ăn Việt Nam chế biến theo công nghệ mới hay là món Việt Nam tương tác với thế giới, mà đi theo hướng truyền thống của dân tộc, tinh hoa ẩm thực Việt. Chúng tôi muốn tôn vinh truyền thống, kiến tạo tương lai để thế giới biết rằng, Việt Nam có hàng nghìn món ăn".
Theo ông Lê Tân, đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia" sẽ được xây dựng trong 10 tập với tổng số 1.000 món ăn của Việt Nam ở hai giai đoạn: Giai đoạn 1 năm 2022; Giai đoạn 2 năm 2023.
Tập 1 giai đoạn I-2022 với tổng số lượng các món ăn từ khắp các tỉnh, thành phố gửi về là 400 món và Hội đồng bình chọn đã chọn ra 121 món ăn tiêu biểu. Trong đó có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung, 37 món miền Nam.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho hay, để thực hiện bình chọn 1.000 món ăn từ khắp các vùng, miền trên cả nước, BTC đã lựa chọn một hội đồng bình chọn là những người uy tín ở nhiều lĩnh vực như các nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa lịch sử, công nghệ thực phẩm, kinh tế, nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực, quản lý văn hóa du lịch…
"Sau giai đoạn I-2022 của đề án, chúng tôi sẽ thực hiện giai đoạn II-2023, tiếp tục bình chọn các món ăn tiêu biểu. Tuy nhiên ở giai đoạn này, chúng tôi còn hỗ trợ địa phương các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực.
Truyền thông, quảng bá trên bình diện quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế để ẩm thực hướng đén mục tiêu phát triển du lịch ẩm thực địa phương.
Hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng bản đồ, bảo tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam (ảo). Từng bước định hình chiến lượng phát triển văn hóa ẩm thực địa phương…
Bên cạnh đó, đề án còn thực hiện "Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam" góp phần tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam" ông Nguyễn Quốc Kỳ cho hay.
Đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia" được chấm dựa trên 4 tiêu chí, đó là đảm bảo tính giá trị lịch sử, tức là nguồn gốc, xuất xứ của vùng miền. Tiêu chí tiếp theo là chuỗi giá trị nơi sản xuất trên bàn ăn tại địa phương.
Tiêu chí thứ ba là yếu tố nghệ nhân, người đã sáng tạo ra món ăn và được chế biến tại vùng miền đó. Và thứ tư là tính lan toả của món ăn, đảm bảo được khi nhắc đến tên món ăn, người ta biết được đó là món ăn của vùng miền nào. Ví dụ như phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bún bò Huế,…