Dân Việt

Vì sao Hồ Quý Ly bị Minh Thành Tổ xử tội chết, còn Hồ Nguyên Trừng phải đổi sang họ Lê?

Vương Quốc Hoa 30/09/2023 08:30 GMT+7
Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị ghép vào tội phản nghịch, bị xử tử tội chết, còn Hồ Nguyên Trừng thì được vua Minh Thành Tổ tha cho tội chết, nhưng vua Minh Thành Tổ không công nhận họ Hồ là dòng dõi của người Trung Hoa. Vì vậy mà Hồ Nguyên Trừng phải đổi lại họ là họ Lê, tức Lê Nguyên Trừng.

Hồ Nguyên Trừng sinh năm giáp Dần 1374 tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội), hiệu là Nam Ông. Hồ Nguyên Trừng là con trưởng của Hồ Quý Ly, quê ở làng Đại Lại, huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (ngày nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Năm 20 tuổi Hồ Nguyên Trừng làm chức Phán Tư Sự. Năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly phế truất vua Trần Thiếu Đế, chính thức lên ngôi vua, đặt quốc hiệu nước ta thời bấy giờ là Đại Ngu.

Nguyên họ Hồ có nguồn gốc từ Trung Quốc, sang Việt Nam, đến thời Hồ Quý Ly đã được 16 đời, Hồ Quý Ly cũng muốn nhận mình là dòng dõi của Ngu Thuấn (một trong 5 vị vua thời Tam Hoàng – Ngũ đế thời cổ đại ở Trung Quốc), cho nên sau khi lên làm vua Hồ Quý Ly mới đặt quốc hiệu nước ta là Đại Ngu.

Vì sao Hồ Quý Ly bị Minh Thành Tổ xử tội chết, còn Hồ Nguyên Trừng phải đổi sang họ Lê? - Ảnh 1.

Hồ Nguyên Trừng. Ảnh minh họa.

Sau khi lên làm vua, Hồ Quý Ly muốn lập con trưởng là Hồ Nguyên Trừng lên làm Thái tử, nhưng sau khi thử ý mới biết Hồ Nguyên Trừng chỉ muốn làm quan, chứ không muốn làm vua, cho nên Hồ Quý Ly mới lập người con thứ là Hồ Hán Thương lên làm Thái tử.

Năm Tân Tỵ 1401, Hồ Quý Ly bắt chước các vua nhà Trần, nhường ngôi cho Thái tử Hồ Hán Thương, còn Hồ Quý Ly thì lên làm Thái thượng hoàng. Lúc bấy giờ nhà Minh ở Trung Quốc bắt đầu ổn định về tình hình kinh tế chính trị – xã hội, vua Minh Thành Tổ bắt đầu có ý định đem quân sang xâm lược nước ta.

Từ năm Giáp Thân 1404, mối quan hệ bang giao giữa nước ta với nhà Minh ở Trung Quốc càng trở nên gay gắt, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Năm Ất Dậu 1405, quân nhà Minh bắt đầu xâm lấn vùng biên giới phía Bắc nước ta, nhà Hồ phải cử quan Hành Khiển là Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ, nhưng trước sự hung tợn của quân nhà Minh, Hoàng Hối Khanh đã yếu bóng vía, can tâm cắt đất ở biên giới nước ta cho quân nhà Minh tất cả là 59 thôn.

Trước tình hình trên, nhà Hồ Lập tức họp bàn kế sách khẩn cấp. Hồ Nguyên Trừng lúc bấy giờ đang làm Tả tướng quốc, nói rằng: “Thần không sợ đánh giặc, chỉ sợ long dân không theo mà thôi”. Sở dĩ Hồ Nguyên Trừng nói như vậy là vì trước đấy những cải cách táo bạo đi trước thời đại của Hồ Quý Ly, cùng với việc chiếm ngôi nhà Trần đã gây ra nhiều phản ứng quyết liệt trong giới sỹ phu đương thời và không thu phục được lòng người.

Sau những năm tháng ngoại giao mềm mỏng, chịu lép vế trước nhà Minh, nhưng vẫn không có kết quả, cha con Hồ Quý Ly đứng trước thử thách hiểm nghèo, đó là đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh.

Vì vậy mà Hồ Quý Ly đã giao cho Hồ Nguyên Trừng chỉ huy đắp thành Đa Bang, lấy gỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc (ngày nay thuộc Việt Trì, Phú Thọ), và đưa quân đi đóng giứ các nơi hiểm yếu, còn Hồ Quý Ly cùng với Hồ Hán Thương tập trung xây dựng thành Tây Đô (ngày nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Năm Bính Tuất 1406, quân nhà Minh gây rối, chúng lấy cớ để xâm lược nước ta, chúng giả danh chiêu bài “phù Trần, diệt Hồ), kéo quân vào xâm lược nước ta. Cha con vua tôi nhà Hồ đã chiến đấu quyết liệt, nhưng do “quân nhà Hồ trăm vạn nhưng không một lòng”.

Cuối cùng vào năm Đinh Hợi 1407, cuộc kháng chiến chống quân nhà Minh xâm lược của vua tôi nhà Hồ bị thất bại, cha con Hồ Nguyên Trừng bị bắt sống và bị giải về Trung Quốc. Vương triều nhà Hồ bị sụp đổ sau 7 năm tồn tại trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị ghép vào tội phản nghịch, bị xử tử tội chết, còn Hồ Nguyên Trừng thì được vua Minh Thành Tổ tha cho tội chết, nhưng vua Minh Thành Tổ không công nhận họ Hồ là dòng dõi của người Trung Hoa, vì vậy mà Hồ Nguyên Trừng phải đổi lại họ là họ Lê, tức là Lê Nguyên Trừng.

Sở dĩ vua Minh Thành Tổ tha chết cho Hồ Nguyên Trừng là bởi vì  ông được biết Hồ Nguyên Trừng rất giỏi trong việc chỉ huy xây dựng thành lũy.

Lúc bấy giờ Minh Thành Tổ đã quyết định sẽ rời đô từ Nam kinh lên Bắc Bình và đổi tên Bắc Bình là Bắc Kinh, lấy Bắc Kinh làm kinh đô mới, vì vậy mà Minh Thành Tổ đang thực hiện kế hoạch xây dựng kinh đô Bắc Kinh (ngày nay là thủ đô Bắc Kinh) và công việc xây dựng này đã tiến hành được 1 năm (kinh thành Bắc Kinh được xây dựng sau 15 năm mới hoàn thành, từ năm 1406 đến năm 1421).

Cho nên vua Minh Thành Tổ mới tha chết cho Hồ Nguyên Trừng, và giao nhiệm vụ cho Hồ Nguyên Trừng đốc thúc một phần xây dựng cố cung Bắc Kinh.

Năm Tân Sửu 1421, việc xây dựng kinh đô Bắc Kinh đã được hoàn thành, và Hồ Nguyên Trừng cũng có công lao rất lớn trong việc xây dựng kinh đô này. Kinh đô Bắc Kinh không chỉ trở thành trung tâm văn hóa, chính trị, mà các di tích lịch sử của Bắc Kinh tượng trưng bằng kiến trúc cung điện, không chỉ đứng đầu ở Trung Quốc, mà so với các kinh đô khác trên thế giớ nó cũng có địa vị vô cùng đặc sắc.

So với cung điện Versaille của nước Pháp được xây dựng vào năm Tân Sửu 1541, đó là một cung điện nổi tiếng, nhưng cũng chỉ bằng ¼ diện tích của kinh thành Bắc Kinh, hay như điện Kremlin ở Mạc Tư Khoa (Nga) được coi là cung điện lớn nhất châu Âu, nhưng cũng mới chỉ bằng ½ kinh thành Bắc Kinh mà thôi.

Công việc xây dựng kinh thành Bắc Kinh rất tốn kém về công sức và tiền của trong suốt 15 năm trời. Đặc biệt là trong suốt thời gian đó, Hồ Nguyên Trừng cũng có đến 14 năm đốc thúc một phần xây dựng kinh thành Bắc Kinh.

Như vậy, mong muốn của Hồ Nguyên Trừng chỉ là muốn làm quan, sau khi nhà Hồ bị tiêu diệt, bị bắt sang Trung Quốc thì Hồ Nguyên Trừng đã làm quan cho nhà Minh. Hồ Nguyên Trừng còn chế ra súng “Thần cơ”, hiệu nghiệm hơn các loại súng đương thời của Trung Quốc lúc bấy giờ cho vua Minh Thành Tổ.

Chính vì có tài năng về quân sự, nên Hồ Nguyên Trừng được làm quan ở bộ Công trong triều đại nhà Minh. Và thậm chí là Hồ Nguyên Trừng còn làm quan trải qua 4 đời vua của nhà Minh, đó là Minh Thành Tổ (1360 – 1424); Minh Nhân Tông (1378 – 1425); Minh Tuyên Tông (1398 – 1435) và Minh Anh Tông (1422 – 1464).

Nhiệm vụ chính của Hồ Nguyên Trừng làm quan ở bộ Công trong triều đại nhà Minh là trông nom việc chế tạo và tu sửa vũ khí, sau được thăng dần lên đến chức Lang Trung, Hữu Thị Lang, vào năm 1436 được thăng làm Tả Thị Lang, đến năm 1445, Hồ Nguyên Trừng được thăng lên chức Thượng Thư dưới đời vua Minh Anh Tông. Cuối cùng vào năm Bính Dần 1446, Hồ Nguyên Trừng mất vì bệnh tuổi già, hưởng thọ 72 tuổi.

Nước Nam ta thời trước có Khương Công Phụ (thế kỷ VIII – IX), từng đỗ đầu khoa Hiền Lương Phương Chính năm Canh Thân niên hiệu Kiến Trung thứ I (năm 780) đời vua Đường Đức Tông (742 – 805). Khương Công Phụ từng làm quan cho nhà Đường ở Trung Quốc, năm 805 ông từng được bổ nhiệm làm Thứ Sử Cát Châu, sau đó bị bệnh mất tại Tuân Hóa.

Như vậy, sau Khương Công Phụ, đến thời Hồ Nguyên Trừng, nước ta có đến hai người từng làm quan to dưới các triều đại là nhà Đường và nhà Minh ở Trung Quốc.

Trong thời gian Hồ Nguyên Trừng làm quan ở Trung Quốc, thì đất nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Minh, chúng coi nhân dân ta như cỏ rác và làm nhiều điều bạo ngược, thiên hạ căm giận giặc Minh đến tận xương tủy.

Rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, trong đó đáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi (1385 – 1433) lãnh đạo, cuối cùng vào năm 1427 đã đánh bại quân xâm lược nhà Minh giành lại độc lập tự do cho dân tộc ta.