Dân Việt

Vụ nữ sinh bị kéo lê trong clip: "Cô dùng ngôn từ quá nặng với con tôi”

Quý Minh 02/10/2023 06:30 GMT+7
Trao đổi với phóng viên, anh H- cha nữ sinh bị cô giáo chủ nhiệm kéo lê trong clip cho biết: “Cô giáo dùng ngôn từ quá thô bạo và nặng với con tôi... Tôi và gia đình chờ kết luận của cơ quan điều tra về vụ việc này”.

Thừa nhận "quá nóng giận", cô giáo nói lời xin lỗi

Như báo Kinh tế và Đô thị đã đưa tin: Tối 29/9, mạng xã hội xôn xao đoạn clip được quay tại hành lang lớp 12D4, Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) kèm bài viết chia sẻ của một tài khoản là học sinh. Theo đó, để chuẩn bị tổ chức Trung thu và sinh nhật cho các bạn trong lớp, cô giáo chủ nhiệm lớp 12D4 kiêm giáo viên dạy Giáo dục công dân giao cho nữ sinh là Bí thư lớp (nạn nhân trong clip) đi mua bánh sinh nhật.

Vụ nữ sinh bị kéo lê trong clip: "Cô dùng ngôn từ quá nặng với con tôi” - Ảnh 1.

Hình ảnh cô giáo kéo học sinh gây bức xúc trong dư luận (Ảnh cắt từ clip)

Đến hôm tổ chức (ngày 29/9), cô giáo gọi điện cho cửa hàng bánh sinh nhật cô dự định đặt từ trước nhưng được thông báo là không có đơn nào. Vì một lý do nào đó mà nữ sinh này đã đặt bánh sinh nhật ở cửa hàng khác. Khi nữ sinh mang bánh đến lớp đã bị cô giáo mắng chửi với lời lẽ rất nặng nề. Thậm chí cô giáo còn đe dọa hạ hạnh kiểm không cho thi tốt nghiệp khiến nữ sinh lo sợ, hoang mang. 

Sau đó, nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang và khóc suốt 2 tiếng đồng hồ đến mức kiệt sức. Thế nhưng cô giáo đi ra tiếp tục mắng khiến nữ sinh hoảng loạn ôm chân cô và liên tục nói "Em xin lỗi cô, cô tha cho em". Đỉnh điểm của vụ việc là nữ sinh lên cơn co giật tại chỗ nhưng cô giáo không dừng lại mà túm cổ áo nữ sinh thật mạnh trên nền đất và nói "cô không phải giả vờ".

Ngày 30/9, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc đã mời giáo viên chủ nhiệm, các học sinh có liên quan về văn phòng làm việc. Tường trình của cô giáo trong clip khá giống nội dung đã nêu ở trên. Tuy nhiên có chi tiết: Sau khi giáo viên và học sinh trao đổi, cô bảo học sinh ra đứng ở cửa lớp. Lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật tháng xong cô đi ra ngoài cửa. Lúc này thấy học sinh quỳ ở cửa lớp; cô bảo học sinh đứng lên nhưng em không đứng mà quỳ rồi nằm ra cửa lớp.

“Em học sinh đã nhiều lần không làm đúng kế hoạch của lớp nên khi thấy em quỳ rồi nằm trước cửa lớp rất phản cảm, vì sợ ảnh hưởng đến lớp, đến hình ảnh của trường và của ngành nên tôi đã quá nóng giận đi lại túm tay em nhưng bị trượt thành ra túm vào áo em chứ tôi không túm cổ áo…Tôi rất lấy làm tiếc vì sự việc đã xảy ra. Tôi chân thành xin lỗi em, gia đình em, đồng nghiệp và xã hội vì ứng xử của mình”- cô giáo nói.

Con tôi là bí thư Đoàn của lớp, chăm chỉ học giỏi

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, anh H, bố nữ sinh trong clip cho hay: “Vốn là Bí thư Chi đoàn của lớp, cháu rất chăm chỉ, luôn muốn tiến bộ trong học tập và có thành tích học tập tốt khi lớp 10 đạt loại giỏi, lớp 11 thiếu chút nữa cũng đạt loại giỏi. Năm nay lên lớp 12, là năm cuối cấp rất quan trọng nên cháu có nhiều dự định phía trước. Vậy mà sự việc này lại xảy ra…”.

Nói về việc mua bánh không theo ý cô giáo chủ nhiệm dẫn đến hành xử của cô được ghi trong clip, anh H bức xúc: “Cô giáo dùng ngôn từ quá thô bạo và nặng với con tôi. Cô nói sẽ hạ hạnh kiểm để con không được đi thi, mời bố mẹ lên làm việc, chuyển con sang lớp khác… Nghe những lời lẽ đó, nhìn hình ảnh của con, trái tim tôi như ứa máu… Khi con đứng ngoài cửa lớp đến 30 phút, con muốn xin vào lớp mà không được trong khi các bạn đang tổ chức chương trình, đang chụp ảnh lại cộng thêm lời lẽ thô bạo của cô, con rất sợ hãi… Với một nữ sinh cuối cấp, điều đó là quá sức chịu đựng…”.

Cũng theo phụ huynh này, ngay khi xuất hiện clip trên mạng, thầy hiệu trưởng đã liên hệ với anh và điều đầu tiên anh đề nghị là ngăn chặn sự lan truyền của clip trên mạng, nhưng điều đó đã không thể thực hiện.

“Chiều 29/9, thầy hiệu trưởng gọi tôi gửi lời xin lỗi và nói chuyện với con, nói con yên tâm, nhà trường sẽ không chuyển lớp, không hạ hạnh kiểm, con muốn chuyển sang lớp nào cũng được để chấn an con. Đêm 29/9, Ban giám hiệu lại gọi điện cho tôi, nhắn nhủ gia đình trông nom con cẩn thận, thường xuyên động viên để con ổn định tâm lý. Nhà trường cũng thông tin đã mời công an vào cuộc xác minh. Đến 30/9, trường mời gia đình tôi lên làm việc…. Những động thái của hiệu trưởng và ban giám hiệu phần nào an ủi gia đình tôi và cháu”, anh H nói.

Anh H cho hay: Về phía cô chủ nhiệm, đến ngày thứ 3 sau khi xảy ra sự việc (1/10), cô nhắn tin xin lỗi gia đình; sau đó xuống gia đình anh nói lời xin lỗi. Gia đình anh tuy đã nhận lời xin lỗi của cô nhưng vẫn chờ kết luận và hình thức xử lý thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng.

“Tôi trông chờ sự vào cuộc của cơ quan pháp luật, nếu không xử lý nghiêm minh sẽ không chỉ ảnh hưởng con tôi mà còn ảnh hưởng đến hơn 40 học sinh trong lớp. Cũng như con tôi, các cháu đều bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề”, phụ huynh này chia sẻ.

Được biết, từ hôm xảy ra sự việc, dù hoang mang, lo sợ nhưng được gia đình, thầy cô, bạn bè động viên, hỏi thăm, con anh H đã dần nguôi ngoai và từ ngày thứ 2 (2/10), nữ sinh sẽ đến trường bình thường. Vì là năm cuối cấp, gia đình anh H luôn mong con gái được bình yên và được học tập tại một môi trường học đường lành mạnh, an toàn.

Liên quan đến sự việc, hiện Trường THPT Đa Phúc đã điều chuyển cô giáo có hành vi trên sang giảng dạy lớp khác, thôi nhiệm vụ chủ nhiệm của cô với lớp 12D4 cũng như không dạy môn Giáo dục công dân của lớp. Ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc cho hay, nhà trường không bưng bít thông tin, không bao che giáo viên. Sự việc đang được Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ. Sau khi có kết luận của cơ quan công an, nhà trường sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân.

Ngay sau khi nhận được phản ánh về sự việc, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Trường THPT Đa Phúc kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc, nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm (nếu có vi phạm), báo cáo về Sở; đồng thời yêu cầu nhà trường tăng cường công tác quản lý, xây dựng văn hoá học đường, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục.